Tại sao Trung Quốc – nhất thời – sẽ không dân chủ

Wolfgang Hirn Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen”

[“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Khi một đất nước cứ tăng trưởng và tăng trưởng thì đến một lúc nào đó có một lớp trung lưu thành hình. Và những người này không chỉ muốn tiêu thụ mà cũng muốn cùng quyết định, tức là yêu cầu các quyền chính trị và tự do.

Trên lý thuyết là như vậy. Nó được nhà xã hội học người Mỹ Seymour Martin Lipset đưa ra lần đầu tiên vào cuối những năm 50 mà đối với ông thì rõ ràng là có một mối liên quan giữa thịnh vượng và dân chủ. Qua đó, ông đã thành lập thuyết Hiện đại hóa.

Nhưng người ta đo thịnh vượng ra sao? Tốt nhất và đơn giản nhất là qua thu nhập trên đầu người, Seymour và những người biện hộ cho ông nói. Nhưng bắt đầu từ mức thu nhập nào thì một đất nước sẽ trở nên dân chủ? Các nhà khoa học tranh cãi nhau về điều này. Khoảng cách của các quan điểm là từ 1000 cho tới 6000 dollar.

Và có thật sự là đơn giản như thế không?

Tượng "nữ thần dân chủ" trên Quảng trường Thiên An Môn. Hình: Corbis

Tượng “nữ thần dân chủ” trên Quảng trường Thiên An Môn. Hình: Corbis

Liệu một đất nước có trở nên dân chủ khi thu nhập trên đầu người bắt đầu từ 3000 dollar – chúng ta cứ nói như vậy đi – hay không? Không, chính trị và một sự thay đổi hệ thống không hoạt động đơn giản tới như vậy. “Mối quan hệ giữa hiện đại hóa kinh tế và dân chủ là một mối quan hệ nhân quả, nhưng không đơn nhân quả”, nhà chính trị học Wolfang Merkel giải thích trong tác phẩm kinh điển Systemtransformation [Chuyển đổi hệ thống] của ông. Tức có nghĩa là: Còn phải có thêm những điều kiện khác nữa. Ví dụ như một mức học vấn tương đối cao.

Bây giờ thì Trung Quốc có cả hai – một thu nhập trên đầu người trên 3000 dollar và một hệ thống giáo dục tốt mà nhiều người Trung Quốc hưởng lợi từ đó. Nhưng mặc dù vậy Trung Quốc vẫn chưa dân chủ và trong thời gian sắp tới đây cũng sẽ không. Tại sao lại như vậy?

Vì cả tôn giáo và văn hóa cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc một nhà nước được tổ chức trong hình thái và hiến pháp nào. Max Weber đã chỉ đến mối liên quan này ngay từ đầu thế kỷ 19. Nhà xã hội học người Mỹ Samuel Huntington nắm lấy luận điểm này một lần nữa vào đầu những năm 90. Trong đó, ông bàn trực tiếp về Trung Quốc.

Trung Quốc rõ ràng là một xã hội theo đạo Khổng. Đạo Khổng không phải là một tôn giáo như nhiều người ở Phương Tây tin là thế. Nó – khác với Thiên Chúa giáo hay đạo Hồi – không đưa ra những lời giải thích và hứa hẹn cho thế giới bên kia. Nó gắn kết chặt chẽ với thế giới ở bên này và giảng giải những giá trị như hài hòa, tôn trọng người có quyền lực (đặc biệt là cha mẹ) và học tập liên tục. Vì vậy mà trong các xã hội theo đạo Khổng, tập thể đứng trên cá nhân, quyền lực đứng trên tự do, những cái không nhất thiết phải khuyến khích lối suy nghĩ và các cấu trúc dân chủ. Do đó, Huntington đi tới kết luận. “Một nền dân chủ Khổng giáo tự nó là một mâu thuẫn.”

Giáo sư Harvard Francis Kukuyama phản bác giáo sư Harvard Huntington đã qua đời. Đạo Khổng tương đối khoan dung và bình đẳng. Ngoài ta, ông nhấn mạnh tới giáo dục và đào tạo. Tất cả những cái đó là những thành phần khuyến khích dân chủ. Vì vậy mà Trung Quốc không miễn nhiễm trước một sự dẫn nhập dân chủ. Câu hỏi chỉ là khi nào thì nó có thể xảy ra. Thế nào đi nữa thì trong thời gian tới đây cũng không.

Và ở đây có thêm một – cựu – giáo sư Harvard thứ ba bước vào cuộc hơi: Alexander Gerschenkron. Ông nói, tầng lớp trung lưu hưởng lợi từ một hệ thống chuyên quyền. Họ hàm ơn lần trỗi dậy của hệ thống. Vì vậy mà họ quan tâm tới sự ổn định của hệ thống.

Đảng Cộng sản biết điều đó và vì vậy mà cộng tác với giới trung lưu. Họ tiến hành một chiến thuật ôm ấp khéo léo và bước vào một mối quan hệ với những người buôn bán một mình, doanh nhân và trí thức. Họ làm cho nhiều nhóm, những nhóm có thể chống lại chính quyền, trở thành đồng minh với họ – trí thức, sinh viên và tầng lớp trung lưu.

Ví như 80% sinh viên – đây là một con số chính thức – muốn gia nhập Đảng sau khi tốt nghiệp. Họ làm điều đó không phải vì họ là những người nhiệt tình đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản, mà vì họ hứa hẹn cho mình các cơ hội thăng tiến tốt hơn – dù đó là trong hành chính hay trong các công ty nhà nước.

Đó là một cuộc kinh doanh có qua có lại. Tầng lớp trung lưu nhận được những gì họ muốn, tức khả năng thăng tiến và làm giàu. Đổi lại, Đảng đang thống trị cũng nhận được cái mà họ muốn – bảo toàn quyền lực. Tầng lớp trung lưu vì vậy mà có tác động làm ổn định hệ thống nhiều hơn là gây nguy hại đến hệ thống.

Một nhận định cũng được ủng hộ qua thực tiễn. Giáo sư người Mỹ Jie Chen trong quyển sách Allies of the State: China’s Private Entrepreneurs and Democratic Change của ông đã khảo sát quan điểm của giới trung lưu Trung Quốc về một thay đổi hệ thống có thể. Kết luận của ông sau hơn 2000 cuộc trao đổi: “Tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ không xuất hiện như là những người ủng hộ cho một sự dân chủ hóa.”

Họ sẽ không tiếp nhận vai trò cách mạng của giới tư sản giống như những người này đã đóng trong châu Âu của thế kỷ 18 và 19. Richard McGregor: “Họ có nhiều thứ để mất.” Giả sử như có những cuộc bầu cử theo mẫu mực Phương Tây One Man – One Vote. Nếu như người ta ước lượng giới trung lưu Trung Quốc ở 200 tới 300 triệu, thì họ rõ ràng là thiểu số trong một cuộc bầu cử.

Người nông dân sẽ có quyền quyết định. Và chắc chắn là họ sẽ muốn một chính sách hoàn toàn khác hẳn với tầng lớp trung lưu thành thị, tức là tái phân phối có lợi cho họ, trước thế bất lợi trong những thập niên vừa qua cũng là điểu dễ hiểu. Những người chịu thiệt thòi của một chính sách như vậy là giới trung lưu thành thị. Tức là trong giai đoạn – tôi nhấn mạnh – hiện tại của sự phát triển Trung Quốc, những người này không thể có một mối quan tâm tới việc người dân ở nông thôn có thể nắm lấy quyền lực một cách dân chủ.

Tức là sẽ không có một sự chuyển tiếp nhanh chóng sang dân chủ ở Trung Quốc, nhưng ít ra thì cũng có những bước tiến cải cách chậm chạp.

(Còn tiếp)

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment