Mao Trạch Đông: Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục (Hết)

Bác Sĩ Lý Chí Thỏa – Trần Trung Ðạo trích lược dịch …

22

CHUYẾN VIẾNG THĂM LỊCH SỬ CỦA TỔNG THỐNG NIXON

Mao rất hồi hộp chờ đợi Tổng Thống Hoa Kỳ đến. Ông ta thức dậy rất sớm và hỏi ngay khi nào Tổng Thống Nixon sẽ tới. Mao lo cắt tóc và chải đầu bóng loáng. Mặc dù Mao muốn gặp Tổng Thống Hoa Kỳ ngay nhưng theo thủ tục, Tổng Thống Nixon cần phải nghĩ ngơi và sau đó tham dự buổi tiếp tân do Thủ Tướng Chu Ân Lai khoản đải. Mao đành phải đồng ý nhưng chỉ thị là đưa Tổng Thống đến cho y gặp ngay vào sáng sớm ngày mai.

Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon là người đầu tiên xuống xe, theo sau là Tiến Sĩ Henry Kissinger và rồi Winston Lord, người sau nầy là đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Nội dung của buổi nói chuyện đã được viết lại đầy đủ trong nhật ký của Tổng Thống Nixon. Ðiểm đáng nhớ duy nhất là việc Mao thông báo cho Tổng Thống Hoa Kỳ biết, mặc dù quan hệ giữa hai nước đã cải thiện nhưng báo chí Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục phê bình Hoa Kỳ, và báo chí Hoa Kỳ cũng nên tiếp tục phê binh Trung Quốc. Việc thay đổi quan hệ, dù tốt, theo Mao, cũng cần phải có thời gian.

Thế giới đã phải chờ 30 năm để thấy sự thù địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được giải quyết. Mao tin rằng các quốc gia dù với một hệ thống kinh tế khác nhau vẫn có thể hợp tác được và ông ta đang tìm kiếm sự hợp tác rộng rãi hơn với các nước tư bản. Trường hợp Nam Hàn là một ví dụ. Dân Nam Hàn thích ăn cay. Trung Quốc sản xuất tương ớt cay rất dể dàng và đã xuất cảng đến 300 ngàn tấn sang Nam Hàn. Tuy nhiên Mao lại không nhìn thấy một nền hòa bình thế giới lâu dài. Theo Mao, dù hợp tác, nhưng nhân loại đã và đang bị phân chia thành ba thế giới khác nhau. Thế giới thứ nhất bao gồm Mỹ và Liên Xô. Hai quốc gia nầy ôm mộng thống trị nhân loại, họ giàu có, tiên tiến về kỹ thuật và trang bị nguyên tử tối tân. Thế giới thứ hai là các quốc gia tư bản lớn như Nhật, Gia Nã Ðại v.v. cũng giàu có và trang bị một ít nguyên tử. Thế giới thứ ba là các quốc gia đông dân,nghèo và là nạn nhân của các cuộc đấu tranh giữa các siêu cường. Trung Quốc thuộc vào thế giới thứ ba. Vì vậy, hoà bình, đối với Mao chỉ là tạm thời.

Quan niệm của Mao đúng một phần. Sau chuyến viếng thăm của Tổng Thống Richard Nixon, các quốc gia khác cũng lần lượt công nhận Trung Quốc. Mao đạt được một chiến thắng ngoại giao khác khi Thủ Tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka viếng thăm Trung Quốc vào tháng 9 cùng năm. Kết quả của chuyến viếng thăm của Thủ Tướng Tanaka là một thông cáo chung về việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mao và Tanaka có nhiều điểm chung. Cả hai đều chưa từng vào đại học. Cả hai đều đạt đến quyền lực qua con đường đấu tranh. Mao tìm thấy ở Tanaka một con người can đảm, đã tái lập quan hệ ngoại giao bất chấp sự chống đối từ nội bộ đảng Dân Chủ Tự Do đang cầm quyền tại Nhật.

Sau chuyến viếng thăm của lãnh tụ hai cường quốc Mỹ và Nhật. Mao dành thời gian còn lại với cô thư ký trẻ đẹp Trương Ngọc Phụng. Phụng, lúc bấy giờ đã có chồng nhưng ở và làm việc với Mao. Cả hai ở chung và ăn cơm với nhau. Mọi người muốn gặp Mao đều phải qua ngã Trương Ngọc Phụng, kể cả Giang Thanh. Giang Thanh phải nịnh bợ cô Trương và ngay cả hối lộ cô ta bằng những chiếc đồng hồ, quần aó tây phương đắc tiền. Tôi và Trương Ngọc Phụng không hợp tính nhau. Mỗi bữa ăn Phụng phục vụ Mao một ly rượu nhưng tôi, với tư cách một bác sĩ, lại cho đó là không nên. Mao thì chiều chuộng Trương Ngọc Phụng và không muốn làm nàng buồn lòng.

Cuối năm 1972, Trương Ngọc Phụng có thai. Mọi người trong bộ tham mưu của Mao biết điều nầy và nghĩ rằng Mao là cha của bào thai đó. Tôi thì biết là không phải. Một ông già 80 tuổi và tinh trùng đã chết từ lâu như Mao thì làm thế nào mà sinh con đẻ cái được. Trương Ngọc Phụng, dù đang sống và làm việc với Mao, trên thực tế là gái có chồng. Chồng của Phụng có mặt thường xuyên bên cạnh vợ trong thời gian sinh đẻ tại bịnh viện. Các phụ tá thân cận của Mao, kể cả Giang Thanh, Uông Ðông Hưng .. vì đinh ninh rằng đứa bé là con Mao nên ai cũng hăm hở viếng thăm, tặng quà cáp rối rít.

Mao không phải là người duy nhất đang trong tuổi già bịnh hoạn. Các nhân vật lãnh đạo khác sống sót trong thời kỳ Vạn Ly Trường Sinh đều trong tuổi già bịnh tật. Khanh Sinh là một kẻ độc ác và trách nhiệm đối với nhiều nạn nhân vô tội trong Cách Mạng Văn Hóa. Sau Khanh Sinh là Chu Ân Lai. Thủ Tướng họ Chu bị bịnh ung thư nhưng Mao lại không cho phép y được điều trị. Theo Mao, bịnh ung thư là không thuốc chửa. Cuối năm 1973 tình trạng sức khỏe của Mao sa sút trầm trọng và đây cũng là thời gian y tìm một người kế vị. Người đó không ai khác hơn là Ðặng Tiểu Bình.

Nội bộ đảng chia làm hai phe. Một phe cực tả dưới sự lãnh đạo của Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và cánh khác gồm viên thủ tướng bịnh hoạn Chu Ân lai và Thống Chế Diệp Kiếm Anh. Trong một phiên họp với các tư lịnh quân sự của tám quân khu, Mao nói “tôi đang triệu hồi một lãnh tụ đầy năng lực, ông ta là Ðặng Tiểu Bình. Ðặng sẽ được chỉ định vào chức vụ Ủy Viên Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương. Ðặng không thích chức Tổng Bí Thư Ðảng nên tôi cử y vào chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội.”

Giang Thanh cố gắng loại bỏ ảnh hưởng của Chu và Ðặng bằng một chiến dịch “Bài Khổng, Chống Chu” vào năm 1974. Nhưng nhân dân Trung Quốc đã quá chán ngán với những cuộc biểu tình, thanh trừng đẩm máu trước đó nên không ai muốn tham gia ủng hộ. Cuối cùng chính Mao cũng không còn chịu nỗi Giang Thanh. Ngày 20 tháng 3 năm 1974, Mao viết cho Giang Thanh một lá thư với nội dung “Tốt hơn tôi và bà đừng gặp nhau nữa. Tôi đã khuyến cáo bà bao nhiều lần trong suốt nhiều năm nhưng bà không nghe. Sách vở của chủ nghĩa Mác Lê, và cả của tôi rất nhiều nhưng bà không chịu học. Tôi đã tám mươi mốt tuổi và bịnh hoạn nhưng bà chẳng quan tâm chỉ lo tận hưởng đặc quyền. Mai nầy khi tôi chết đi bà sẽ làm gì ?.”

23

MAO PHỤC HỒI VÀ HẠ BỆ ĐẶNG TIỂU BÌNH

Vào tháng 7 năm 1974, chúng tôi biết rằng Mao sẽ không còn sống bao lâu nữa. Ông ta không còn đủ nhản lực để nhận ra ngón tay trước mắt và ông thể phân biệt giữa ánh sáng và bóng tối. Giọng nói của Mao lạc hẳn đi và chúng tôi không còn thể nào hiểu ông ta đang nói gì.

Thái độ chống đối y học của ông ta thì vẫn tiếp tục. Nhưng biết bịnh tình của chính mình ngày càng trầm trọng, Mao đành phải để các bác sĩ chuyên khoa khám xét. Kết luận chung của hội đồng y khoa là Mao không thể sống hơn hai năm nữa. Khi tôi trình lên Uông Ðông Hưng và giải thích về căn bịnh hiểm nghèo mà Mao đang gặp phải thì họ Uông chẳng hiểu gì ráo về y khoa. Sang ngày hôm sau, chúng tôi tìm gặp Thống Chế Diệp Kiếm Anh. Sử dụng một hình người mẫu, chúng tôi trình bày cho Thống Chế biết căn bịnh của Mao Chủ Tịch. Diệp Kiếm Anh là một con người có hiểu biết nhất trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao mà chúng tôi báo cáo. Thống chế họ Diệp lắng nghe một cách trân trọng, đặt ra những câu hỏi và quan sát mô hình người nhân tạo. Ông ta đề nghị thiết lập ngay một trạm y khoa để chửa trị những ai cùng có căn bịnh như Mao, và dùng những kinh nghiệm chửa trị cho những người đó mà chửa trị cho Mao.

Sau đó chúng tôi báo cáo lên Chu Ân Lai. Sức khỏe của họ Chu ngày đang sa sút trầm trọng, nên dĩ nhiên, y thông cảm với chúng tôi ngay. Bản thân Chu Ân Lai cũng cần phải giải phẫu nhưng Mao lại không chấp thuận. Theo kết quả thử nghiệm mới nhất thì trong nước tiểu của Chu Ân Lai đã có máu. Vợ của Chu quá nóng lòng nên phải can thiệp. Bà ta khôn khéo nhờ cô y tá trẻ đẹp họ Lý, người đang làm việc trong phòng thí nghiệm và cũng là người Mao đang say mê. May mắn thay cho viên thủ tướng, đã phải nhờ một cô y tá cứu mạng. Mao cuối cùng đã chấp nhận. Ngày 1 tháng 6 năm 1974, Chu Ân Lai nhập viện tại bịnh viện 305. Căn bịnh của họ Chu đã đến hồi trầm trọng.

Bộ chính trị họp khẩn để bàn về sức khỏe của Mao. Tôi biết rằng trong phiên họp nầy, Mao Trạch Ðông đã chống lại Giang Thanh. Về mặt chính trị, ông ta và bà ta đã hoàn toàn tách biệt. Mao cũng không quên cảnh cáo bọn Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn đang lập ra một nhóm gọi là thành phần Thượng Hải. Những lời cảnh cáo nầy là dấu hiệu báo trước cho cái gọi là Bọn Bốn Người sau nầy.

Tháng 9 năm 1974 chúng tôi tháp tùng Mao đi Hồ Nam. Mao lại thích bơi bất chấp lời can ngăn của bác sĩ. Cũng may là buổi bơi lội của Mao do chính y hủy bỏ vì mỗi lần Mao đưa mặt xuống nước là bị nghẹt thở ngay. Từ đó Mao Chủ Tịch không bao giờ bơi lội nữa.

Tình hình chính trị tại Bắc Kinh vẫn căng thẳng. Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương và Hội Nghị Ðại Biểu Nhân Dân (Quốc Hội) dự định nhóm họp vào tháng Giêng năm 1975. Hai hội nghị nầy một phần để chính thức hóa chức vụ của Ðặng Tiểu Bình như Phó Thủ Tướng, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội kiêm Ủy Viên Thường Trực Bộ Chính Trị. Nhóm Giang Thanh đang nỗ lực chống lại sự đề cữ nầy và họ cũng cố vận động cho Vương Hồng Văn được bầu vào vào chức vụ Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Ðại Biểu Nhân Dân. Họ Vương đến Hồ Nam để yết kiến Mao nhưng bị Mao đuổi về. Mọi chức vụ của Ðặng Tiểu Bình, sau đó, đã được phê chuẩn trong hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương và Quốc Hội.

Ngày 30 tháng 1 năm 1975, tôi đi thăm Chu Ân Lai. Căn bịnh của Thủ Tướng đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác, trầm trọng hơn. Bác sĩ khám phá ngay cả trong phân của họ Chu cũng có máu. Tuy nhiên Thủ Tướng họ Chu cũng cố về tham dự phiên họp quan trọng của Bộ Chính Trị để thảo luận về tình trạng sức khỏe của Mao Chủ Tịch.

Buổi họp được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 năm 1975. Uông Ðông Hưng khuyên chúng tôi nên trình bày một cách chi tiết về tình trạng bệnh lý của Mao và cũng không quên nhắc chúng tôi phải nói cho lớn vì Ðặng Tiểu Bình có bịnh nặng tai. Khi chúng tôi bước vào phòng họp thì các cấp lãnh đạo tối cao đã có mặt. Ðặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh ngồi giữa, chung quanh là các ủy viên Bộ Chính Trị. Chúng tôi không dám nhắc đến chuyện Mao còn sống bao lâu nhưng trình bày về xác suất rất nhỏ của những người sông sót một khi đã mắc lấy bịnh. Khi chúng tôi nhắc đến căn bịnh hiểm nghèo và rất hiếm của Mao thì Giang Thanh chất vấn “Làm thế nào mà Mao Chủ Tịch mắc bệnh và bằng chứng đâu ?” Thú thật nhiều câu hỏi của Giang Thanh không thể nào trả lời được. May thay có Chu Ân Lai thường can gián và bày tỏ sự cám ơn của ông đối với y sĩ đoàn đã tận tình lo lắng cho sức khỏe của Mao. Ðặng Tiểu Bình cũng can thiệp và đề nghị y sĩ đoàn làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm được để chửa trị cho Mao. Nhờ vậy mà không khí phiên họp dịu bớt đi.

Khoảng 2 tháng sau phiên họp của Bộ Chính Trị, Giang Thanh và đồng bọn đã tung ra một chiến dịch chống Ðặng Tiểu Bình và các lãnh tụ kỳ cựu của đảng. Giang Thanh lợi dụng cơ hội Chu Ân Lai đang dở sống dở chết, Ðặng Tiểu Bình vừa mới cất nhắc lên, và chính bản thân Mao cũng đang bịnh nặng, để tập trung chống lại các lãnh đạo cao cấp nhưng già nua của đảng. Phe Giang Thanh tố cáo các lãnh tụ già là theo “chủ nghĩa kinh nghiệm”, ngụ ý là các lãnh tụ đó chỉ biết làm việc theo kinh nghiệm mà dốt về lý thuyết cũng như thiếu trình độ hiểu biết. Khi Mao biết những lời tố cáo nầy, y rất giận và tuyên bố “Chủ nghĩa giáo điều hay chủ nghĩa kinh nghiệm cũng đều sai như nhau vì cả hai đã đi ngược lại với đường lối sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lênin.” Tháng 5 năm đó, Mao lần nữa phê bình Giang Thanh và đồng bọn “Các đồng chí nên tin vào Chủ Nghĩa Mác-Lênin và đừng tin vào chủ nghĩa xét lại, nên đoàn kết và chống lại chia rẻ…Không nên thành lập băng đảng chính trị Bọn Bốn Người. Theo tôi thì những kẻ phê bình chủ nghĩa kinh nghiệm lại là những kẻ tin vào chủ nghĩa kinh nghiệm hơn ai hết”.

Với sự ủng hộ của Mao, Ðặng Tiểu Bình thật sự trở thành người chủ tọa trong các phiên họp của Bộ Chính Trị. Theo tôi biết, Ðặng Tiểu Bình không có ý thanh trừng Giang Thanh và đồng bọn trong lúc đó, trái lại Giang Thanh và phe nhóm luôn tìm cách để loại bỏ Ðặng Tiểu Bình. Ðặng và Chu Ân Lai rất thông minh, họ biết rằng dù sao Giang Thanh cũng là vợ của Mao. Và mặc dù Mao phê bình Giang Thanh nặng nề chỉ vì không muốn bà ta nắm quá nhiều quyền lực chứ không phải là muốn hạ bệ bà ta hoàn toàn.

Khang Sinh, cố vấn của Giang Thanh trong thời kỳ cách mạng văn hóa và hiện đang nằm chờ chết với căn bịnh ung thư, thì lại nghĩ khác. Họ Khang nghĩ một cách sai lầm là Ðặng Tiểu Bình đang tìm cách loại bỏ Giang Thanh. Chiến dịch tấn công Ðặng Tiểu Bình tiếp tục. Mao Viễn Tân, với tư cách là phát ngôn viên của nhóm thường phê bình Ðặng Tiểu Bình, nào là họ Ðặng cố gắng vô hiệu hóa các thành quả của Cách Mạng Văn Hóa, nào là rất ít khi phê bình chủ nghĩa xét lại của Lưu Thiếu Kỳ. Theo lời của Uông Ðông Hưng thì cháu của Mao rất có ảnh hưởng với Mao và dần dần những lời tấn công của y nhắm vào Ðặng đã có thêm hiệu quả. Hiệu quả đầu tiên là Mao đã thăng Mao Viễn Tân thành người liên lạc giữa Mao và Bộ Chính Trị. Ðặng Tiểu Bình trong lúc đó lại tiếp tục nghe những lời vu khống từ phía Giang Thanh và đồng bọn. Mao nghĩ rằng lề lối làm việc của Ðặng Tiểu Bình là một vấn đề nhưng vẫn tin rằng họ Ðặng có thể cải cách được, và vì vậy không nghĩ đến chuyện hạ bệ Ðặng Tiểu Bình ngay lúc đó.

Giữa tháng 10 năm 1975 thì phong trào chống Ðặng do nhóm Giang Thanh chủ xướng đã lên cao độ. Giang Thanh có vẻ không những muốn chiếm lấy vị trí của Ðặng mà còn muốn đem Ðặng Tiểu Bình ra xử tử. Trong lúc đó thì bịnh tình của Mao đã đến hồi trầm trọng. Mao không đi tiểu được nhiều, mỗi ngày chỉ vài trăm phân khối nước.

Chu Ân Lai chết vào ngày 8 tháng Giêng năm 1976. Trong hàng ngũ lãnh đạo cũng không có phản ứng gì lớn vì, trước đó, ai cũng biết Thủ Tướng họ Chu đang chết. Các thành phần chống Ðặng có thêm cơ hội để tăng cường. Ðặng vẫn còn trong chức vụ nhưng thực tế không có quyền hạn gì. Chính bản thân Mao cũng đang chờ chết. Bản thân tôi có cảm tình với Ðặng Tiểu Bình vì tôi nghĩ chỉ có họ Ðặng là đủ khả năng lèo lái đất nước sau khi Mao chết. Mao trong lúc nầy lại nghe lời Mao Viễn Tân mà bất tín nhiệm Ðặng Tiểu Bình. Mao Viễn Tân cho lưu hành nội dung buổi trao đổi giữa y và Mao, trong đó Mao phê bình Ðặng Tiểu Bình nặng nề.

Nhiều người cho rằng lời phê bình của Mao nhắm vào Ðặng Tiểu Bình là bất công và cũng cho rằng nhà nước đã tỏ ra lơ là trước cái chết của Thủ Tướng Chu Ân Lai nên họ đã tự động tập trung và làm lể truy điệu Thủ Tướng họ Chu tại quảng trường Thiên An Môn. Con số người tham dự bắt đầu từ vài ngàn người, dần dần tăng đến vài chục, rồi vài trăm ngàn người. Tôi biết ngay rằng phong trào quần chúng tự phát nhằm tưởng niệm Chu Ân Lai và cùng lúc phản đối lại Giang Thanh và đồng bọn. Giang Thanh dĩ nhiên nhận thức ra điều nầy nên ra lịnh cho Mao Viễn Tân báo cáo với Mao rằng cuộc biểu tình là do các thành phần phản cách mạng tổ chức. Mao, vì vậy, cũng tin rằng cuộc biểu tình là do các thành phần phản động tổ chức. Mao tức khắc nghĩ ngay đến Ðặng Tiểu Bình như là đâu tàu cho cuộc nỗi dậy nầy. Ngoại trừ chức vụ đảng viên Cộng Sản, Mao hạ lịnh tước bỏ mọi chức vụ khác của Ðặng trong đảng cũng như nhà nước. Mao muốn triệu Hoa Quốc Phong về trung ương để đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng kiêm Phó Chủ Tịch Ðảng. Bộ Chính Trị họp và đồng ý với đề nghị của Mao. Thế là thêm một lần nữa, Ðặng Tiểu Bình lại bị hạ bệ và Hoa Quốc Phong một cách chính thức thay thế Chu Ân Lai.

24

MAO TRẠCH ÐÔNG TRONG GIỜ VĨNH BIỆT

Ngày 11 tháng 5 năm 1976, các y tá chạy vào khẩn báo cho chúng tôi biết là Mao đang ngộp thở. Khi chúng tôi chạy vào thì Trương Ngọc Phụng chận chúng tôi lại viện cớ là không có phép. Tôi trả lời cô ta là Mao Chủ Tịch có thể đang bị chấn động tim và cần được khám ngay, không thể chờ phép. Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều cũng có mặt ngay sau đó. Chúng tôi đồng ý rằng Mao cần phải tịnh dưỡng. Hoa Quốc Phong chỉ thị cho tất cả tòa đại sứ Trung Quốc trên toàn thế giới rằng Chủ Tịch Mao sẽ không tiếp bất cứ một khách nước ngoài nào.

Ngày 17 tháng 7 năm 1976, Hoa Quốc Phong triệu tập một phiên họp giữa Bộ Chính Trị và y sĩ đoàn để duyệt xét tình trạng sức khỏe của Mao. Trong phiên họp, Giang Thanh tố cáo chúng tôi là đã quá trầm trọng hóa bịnh tình của Mao để trốn tránh trách nhiệm. Nhưng cũng may là Hoa Quốc Phong can thiệp và chỉ ra rằng chúng tôi đã làm việc hết sức siêng năng và cần mẫn. Ông ta nói “Chúng tôi không hiểu về y khoa, do đó, chỉ yêu cầu các bác sĩ hãy làm tất cả những gì quí vị có thể để săn sóc cho Mao Chủ Tịch.”

Khi đến phiên Uông Ðông Hưng trực, tôi bày tỏ sự lo ngại của tôi về Giang Thanh cho y nghe. Họ Uông nói “Giang Thanh luôn luôn phê bình một người nào đó trong mỗi phiên họp của Bộ Chính Trị. Mới đây trong một phiên họp của Hội Ðồng Nhà Nước, Giang Thanh lại phê bình Hoa Quốc Phong.” Uông Ðông Hưng cũng hỏi ý kiến tôi về việc loại bỏ Giang Thanh ngay cả khi Mao còn sống. Tôi khuyên y nên chờ vì Mao vẫn còn ý thức. Mắt trái của Mao bị mờ nhưng y vẫn còn đọc được bằng mắt phải. Không thể loại bỏ Giang Thanh mà không có sự đồng ý của Mao. Uông cũng kể tôi nghe rằng Hoa Quốc Phong có ý định bắt giữ Giang Thanh, y chỉ ngại nếu chẳng may Giang Thanh thoát được thì thật là nguy hiểm. Uông bảo đảm với Hoa Quốc Phong dù phải đi đến tận cùng của trái đất, họ Uông cũng nhất định phải bắt cho được Giang Thanh.

Ðêm 27 và 28 tháng 7, tôi trở lại phòng riêng để chợp mắt một chút thì động đất xảy ra. Tiếng nỗ đinh tai nhức óc làm rung chuyển cả dinh thự. Mọi người chạy ra sau vườn nhưng tôi mệt quá nên nằm lì tại chỗ để cố tìm cách ngủ một giấc. Chuông điện thoại reo liên tục, đầu dây bên kia là tiếng của Uông Ðông Hưng gọi tôi vào phòng của Mao gấp. Mao thức giấc và y cũng ý thức rằng một cuộc động đất vừa mới xảy ra. Chúng tôi đồng ý dời Mao qua biệt thự 202 cũng trong khu vực Trung Nam Hải, được xây dựng vào năm 1974 để nhằm chống lại động đất.

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 2 tháng 9, Mao chịu đựng một lần chấn động tim nữa, trầm trọng hơn hai lần trước. Thân thể của Mao đang chết dần. Phổi đã suy yếu một cách trầm trọng hơn trước, nước tiểu chỉ còn ra được khoảng 300 phân khối một ngày. Tuy nhiên, Mao vẫn còn ý thức và hỏi liệu y có gì nguy hiểm không. Chúng tôi bảo đảm với ông ta là bịnh tình của ông sẽ thuyên giảm. Dĩ nhiên không ai dám mở miệng nói với Mao Trạch Ðông là ông ta sẽ chết bất cứ lúc nào.

Ba ngày sau, điều kiện của Mao vẫn trong tình trạng nguy kịch, Hoa Quốc Phong mời Giang Thanh trở về. Bà ta trở về nhưng viện cớ quá mệt không vào thăm chồng ngay. Ngoại trừ Uông Ðông Hưng, ai cũng ngạc nhiên về thái độ lơ là của bà. Họ Uông biết rằng trong thâm tâm, Giang Thanh đang mong cho Mao chết. Phe cánh bà ta đang mạnh và Mao trong lúc nầy là chướng ngại cuối cùng trên đường nắm lấy quyền lực của bà ta.

Buổi chiều ngày 7 tháng 9, Giang Thanh đến biệt thự 202, nơi Mao đang được điều trị. Bà ta bắt tay từng người trong bác sĩ đoàn đang túc trực tại đây và nói “Quí vị nên mừng mới phải.” Thái độ kỳ lạ của bà ta làm ai cũng ngạc nhiên, chỉ sau đó chúng tôi mới ý thức rằng ý của bà là Mao sắp chết và bà sắp sửa nắm lấy quyền hành tối thượng. Buổi chiều bà ta trở lại tìm một số tài liệu mà bà ta đã gởi cho Mao trước đó. Không ai rảnh để giúp bà ta nên bà lại phàn nàn rằng những tài liệu đã bị đánh cắp.

Giang Thanh trở lại lần nữa vào sáng ngày 8 tháng 9 và chỉ thị chúng tôi phải thay vị thế nằm ngủ của Mao Chủ Tịch. Chúng tôi phản đối và cả Hoa Quốc Phong cũng yêu cầu Giang Thanh không nên can thiệp vào công việc của bác sĩ.

Về phía chúng tôi, chúng tôi cũng chẳng còn phương thuốc nào hữu hiệu hơn nữa. Mười phút sau nửa đêm ngày 9 tháng 9 năm 1976, nhịp tim của Mao Trạch Ðông ngừng đập, biểu đồ trên máy đo nhịp tim đã vẻ thành một đường ngang dài. Chủ Tịch Mao Trạch Ðông đã chết.

HẾT

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Comments are closed.