(NV) – Nhà văn Nhật Tuấn, em trai của nhà văn Nhật Tiến, vừa qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất ở Sài Gòn lúc 6 giờ chiều, ngày 6 Tháng Mười, 2015.
� Xem thêm: Các nhà văn nói về Nhật Tuấn.
Nhà văn Nhật Tuấn (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Nói về sự việc xảy ra khá đột ngột này, ông Nguyễn Hữu Công, Giám đốc Đài Little Saigon Radio, miền Nam California, nơi nhà văn Nhật Tuấn cộng tác từ nhiều năm qua, cho biết, “Tôi bàng hoàng khi nghe tin này. Hiện giờ anh ấy đang cộng tác cho chương trình ‘Mỗi Tuần Trò Chuyện Với Một Người’ được phát vào sáng và trưa Thứ Tư hàng tuần. Vừa rồi, anh ấy vừa bỏ một kỳ. Tôi bàng hoàng. Bởi như bao nhiêu người làm truyền thông, ai cũng phải cố gắng để đúng giờ, anh ấy cũng rất đúng giờ đúng ngày, rất đều đặn khi gửi bài vở đến cho đài, nên khi thấy anh ấy ‘skip’ một kỳ vừa rồi thì cảm giác tự dưng hơi sợ sợ. Không ngờ sáng nay nghe tin anh ấy mất.”
“Tiếc lắm cô à. Đây là một điều… Bàng hoàng lắm.” Nhà báo Nguyễn Hữu Công nói như lạc giọng.
Theo bà Phương Khanh, phu nhân nhà văn Nhật Tiến (anh của nhà văn Nhật Tuấn) thì nhà văn Nhật Tuấn qua đời vì “bệnh phù nề hoành tá tràng”.
Nhà văn Nhật Tuấn tên thật là Bùi Nhật Tuấn, sinh năm 1942 ở Hà Nội.
Sự nghiệp văn học của ông nổi bật với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong nhiều năm sau này, khi là cộng tác viên của đài Little Saigon Radio, Tuần báo Việt Tide, Hồn Việt TV và VietsTream, ông thể hiện mình là nhà báo sắc sảo, nhạy bén với mọi sự kiện chính trị và xã hội trong nước.
Nhà văn Nhật Tuấn thuộc nhóm trí thức đi từ Bắc vào Nam sau 1975, đi từ nhận thức bị “định hướng XHCN” đến sự thức tỉnh, rồi bất mãn và lên tiếng phẫn nộ, châm biếm đả kích chế độ Cộng Sản và nhà cầm quyền. Ở cả sáng tác văn học và báo chí của ông, người ta đều thấy tính phóng khoáng của người từng trải, phải sống giữa “thời đồ đểu” (chữ của ông); thấy cả giọng bất mãn của một người có lòng, biết yêu thương con người; và thấy cả sự tức giận của một con người có chí khí, thẳng tay tố cáo những cái xấu đang diễn ra trong nước.
Nhà văn Nhật Tuấn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã in gần 20 tác phẩm gồm nhiều tập truyện ngắn và truyện dài. Tác phẩm đầu tay có tên “Trang 17”, in năm 1978 đoạt Giải nhất Giải Văn Học của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1978. Nhưng tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của Nhật Tuấn là cuốn Đi Về Nơi Hoang Dã in năm 1988, bị Nhà Nước CSVN cấm ngay sau khi phát hành nhưng lại được đón nhận rất nồng nhiệt ở hải ngoại.
Nhiều cơ quan truyền thông, báo chí và Hội đoàn đã đứng ra bảo trợ cho buổi ra mắt cuốn Đi Về Nơi Hoang Dã được tổ chức tại trụ sở của Little Saigon Radio thuộc Quận Cam, Nam California ngày 7-4-2001.
Ông cũng là người chủ trương trang Facebook (facebook.com/nhat.tuan) và trang blog ‘THỜI 2 Đ – blog NHẬT TUẤN’ phổ biến nhiều bài mang tính cách vận động cho tinh thần Dân Chủ tại Việt Nam.
Nhận xét về một cộng sự của mình trong nhiều năm, ông Nguyễn Hữu Công cho rằng, “Nhật Tuấn là một nhà văn thành ra khi ông viết ra những mẩu chuyện cho chương trình như Thư Sài Gòn thì nội dung vừa có tính thời sự của một nhà báo vừa có sự sâu sắc thâm trầm của một nhà văn. Đó là lý do mà chương trình Thư Sài Gòn của ông trong suốt 7, 8 năm được nhiều người yêu mến.”
Trả lời về việc dự tính cho chương trình ‘Mỗi Tuần Trò Chuyện Với Một Người’ đang được rất nhiều thính giả quan tâm theo dõi, khi nhà văn Nhật Tuấn, người phụ trách nội dung không còn, ông Công nói trong sự thẫn thờ, “Mọi chuyện chỉ mới xảy ra có vài tiếng, tôi còn đang rất bối rối. Để xây dựng một chương trình không hề dễ dàng, phải hoạch định rất lâu dài. Giờ ông ấy đột nhiên mất, mình chưa biết làm thế nào. Ông ấy đang còn rất là vui vẻ, thì đùng cái. Tôi vẫn còn đang bàng hoàng lắm về tin này.” (N.L)
Thương tiếc nhà văn Nhật Tuấn – Nhận được tin nhà văn Nhật Tuấn, cộng tác viên của Văn Việt, qua đời ngày 6/10/2015, Văn Việt xin có lời cầu chúc hương hồn ông siêu thăng và xin chia buồn cùng tang quyến…
Bạn đọc có thể tìm đọc tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” của nhà văn Nhật Tuấn trên vanviet.info hoặc bắt đầu từ: vandoanviet.blogspot.com/2014/11/i-ve-noi-hoang-da.html#more
Nhà văn Nhật Tuấn qua đời
Lê Quỳnh (BBC tiếng Việt) – Nhà văn Nhật Tuấn vừa qua đời tại bệnh viện Thống Nhất, TP. HCM, vào chiều ngày 6/10. Tờ Người Đô Thị dẫn lời anh trai, nhà văn Nhật Tiến từ bang California, nói ông đột ngột từ trần vì chứng phù nề hành tá tràng.
Theo tiểu sử, nhà văn Nhật Tuấn sinh năm 1942 tại Hà Nội, có tác phẩm đầu tay in năm 1978. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Đi về nơi hoang dã, ra mắt năm 1988.Bạn bè, những người biết ông, đều ngỡ ngàng trước tin ông ra đi.
Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà văn
Tôi cùng thế hệ viết văn với Nhật Tuấn, cùng là bạn bè, hiểu nhau nhiều cả về tâm tính lẫn công việc lao động nhà văn. Nhật Tuấn rất có trách nhiệm về lao động sáng tạo. Anh cố gắng vươn lên để tạo dựng một phong cách riêng. Đỉnh cao của anh, Đi về nơi hoang dã, đã được anh em trong giới và bạn đọc thừa nhận.
Nhiều nhà văn cùng thế hệ của anh Nhật Tuấn và tôi có điểm chung là không phải do đào tạo, mà do hoàn cảnh đẩy mình vào thế cầm bút như một lối thoát. Cầm bút vì nhu cầu phản ánh trạng thái xã hội và cả khát vọng cá nhân của mình. Đây là giai đoạn mà bi kịch văn học, văn hóa cũng đầy ắp vì thế nhiều thứ phải kiềm chế, đi vào khuôn phép để mình được xuất hiện và tồn tại. Việc thể hiện của nhà văn có bị hạn chế, và theo tôi, hoàn cảnh nào sẽ sản sinh ra văn học vừa tầm với hoàn cảnh đó. Nhưng với Nhật Tuấn, ngay cả trong thời kỳ ấy, anh vẫn có dấu ấn nghệ thuật riêng của mình.
Tôi cũng muốn nói thêm một chút về bối cảnh khi thế hệ nhà văn chúng tôi xuất hiện, khoảng từ 1967-68. Hiện nay việc in ấn tác phẩm đã trở nên rất thoải mái. Nhưng thời kỳ đó, có thể nói cả nước chỉ có hai tờ báo văn chương: Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội. Hầu hết các nhà văn miền Bắc thời kỳ đó xuất hiện từ hai tờ báo này. Chuyện văn chương chỉ là một phần, mỗi người một cách, có người đi đường xa, đường ngắn. Nhưng quan hệ tình cảm, bạn bè bền vững hơn thế hệ sau. Sau này, không phải vì con người trong giới xấu hơn, nhưng đông đúc hơn nên các mối quan hệ đa dạng, phong phú hơn. Còn thời chúng tôi, anh em cùng bước khởi đầu và đồng hành nên ngoài văn chương còn là tình cảm bạn bè. Nhật Tuấn và tôi, tính cách khác nhau nhưng vẫn là bạn. Hôm nay biết tin anh đột ngột qua đời, tôi nhớ lại những kỷ niệm chung, cảm thấy rất buồn và thương tiếc.
Đào Hiếu, nhà văn
Chẳng nhớ cái trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên mở tại Vũng Tàu là vào năm nào, nhưng chắc cũng hơn 30 năm rồi. Tôi quen Nhật Tuấn trong dịp ấy. Hắn ăn nói báng bổ, vui tính, dễ gần. Nói chuyện với tôi hắn ưa chen tiếng Pháp vào. Thực ra không phải là làm dáng vì hắn cũng khá tiếng Pháp. Hắn nói hắn tự học.
Khoảng năm 1985 vợ chồng Nhật Tuấn về cất nhà ở Gò Vấp. Nhà có vườn rộng, cây trái um tùm. Tôi thường đến ăn nhậu ở đó. Có khi có cả nhà văn Trần Hoài Dương cùng tán phét đủ thứ chuyện.
Thời gian Nhật Tuấn làm giám đốc Chi nhánh phía Nam nhà xuất bản Văn học, tôi thường tới đó chơi với hắn nên không đến Gò Vấp nữa.
Rồi lão chết đột ngột vì bệnh “phù nề hoành tá tràng”. Tôi chẳng biết đó là cái bệnh quái quỷ gì mà giết người nhanh vậy. Nhật Tuấn nó như con trâu. Nhưng đó là nhìn cái bề ngoài, chứ thực ra nó là đứa rất lười chăm sóc bản thân. Ngại đi khám bệnh. Ngại đi xét nghiệm tổng quát định kỳ hàng năm. Nó bỏ thí thân xác. Thích sống tự do thoải mái. Muốn ăn gì thì ăn, muốn ở đâu thì ở, muốn yêu ai thì yêu. Và hình như nó thuộc loại ở dơ, sợ tắm, sợ uống thuốc, có lẽ vì vậy mà khi bệnh trở nặng thì trở tay không kịp.
Có lần nó nói với tôi: “Tao muốn tự tử.” Tôi vẫn nghĩ là nó nói đùa.
Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình văn học
Tôi chưa gặp nhà văn ngoài đời nhưng đã đọc ông từ sớm, như tác phẩm ‘Trang 17’, ‘Con chim biết chọn hạt’, rất trong trẻo, đẹp đẽ. Sau này khi đọc cuốn Đi về nơi hoang dã, tôi giật mình, phục nhà văn.
Ông là em trai nhà văn Nhật Tiến. Đây là cặp văn chương vừa có những nét tương đồng, lại khác biệt. So sánh hai người anh em có con đường đời khác nhau, cách viết khác nhau, tôi thấy đó như biểu tượng của văn chương Việt Nam.
‘Đi về nơi hoang dã’ được nhiều người nói là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn. Cũng có người tỏ ý trách chúng tôi, những người làm phê bình văn học, là khi tổng kết văn học Đổi mới, có vẻ bỏ quên tác phẩm này. Có khi cũng có thiếu sót ấy. Nhìn lại các bài tổng kết văn học Đổi mới, đôi khi có những tác giả, tác phẩm cần phải được nhắc lại.
Anh Nhật Tuấn còn để lại ấn tượng mạnh cho tôi khi sau này anh viết một loạt bài nhìn lại văn học xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Loạt bài được anh ký tên khác, đăng trên trang của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cũng khiến nhiều người bực bội. Nhưng tôi thấy anh có cái nhìn thẳng thắn, không khoan nhượng. Ngay cả những nhà văn tiền bối cũng được ông soi xét theo cách đọc riêng của ông. Là người làm phê bình văn học, tôi học được ở ông sự không nể nang, thẳng thắn, cần thiết không chỉ cho văn chương mà cho cả cuộc sống nói chung.
Nhật Tuấn còn mãi trong tôi
Phạm Đình Trọng (Basam) – Truyện đầu tiên của Nhật Tuấn tôi đọc là truyện ngắn “Trang 17” đăng trên báo Văn Nghệ hội Nhà Văn Việt Nam hồi cuối những năm 70 thế kỉ trước. Từ đó cái tên Nhật Tuấn đọng lại bền vững trong trí nhớ, trong tình cảm của tôi.
Nhà văn Nhật Tuấn và Phạm Đình Trọng. Ảnh: tác giả cung cấp
Tôi không nhớ lần đầu gặp Nhật Tuấn ở đâu, khi nào nhưng tôi vẫn nhớ cuốc điện thoại có lẽ là đầu tiên Nhật Tuấn gọi cho tôi. Gần trưa, tôi đang đi xe máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình (đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám này về sau đổi tên là đường Trường Chinh) thì điện thoại réo nhạc. Nhật Tuấn gọi tôi đến nhậu với anh. Tôi hỏi có chuyện gì vậy. Nhật Tuấn bảo: Tôi vừa đọc Nỗi Ngán Ngẩm Thường Ngày của ông. Được lắm! Dạo đó Nhật Tuấn còn ở cuối đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp. Từ chỗ tôi tới đó chưa đến 30 phút chạy xe máy nhưng tôi không tới được.
Đó là cuối năm 2009, giới trí thức thức tỉnh đang vô cùng lo lắng cho vận mệnh đất nước khi đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cho Tàu Cộng vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên, biến một vùng đất Tây Nguyên hiềm yếu thành lãnh địa riêng của Tàu Cộng. Từ nỗi lo lắng đó, trang mạng boxitevn.net vừa ra đời. Bài Nỗi Ngán Ngẩm Thường Ngày tôi mới gửi email tối hôm trước cho giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người khai sinh và đang còn phải làm cả việc biên tập bài cho trang boxitevn.net. Qua cuộc điện thoại của Nhật Tuấn tôi mới biết bài của tôi đã được đăng và biết được sự đón nhận của người đọc.
Mãi mấy năm sau tôi mới có bữa nhậu với Nhật Tuấn ở căn nhà cô đơn núp dưới bóng cây giữa bát ngát màu xanh những lô cao su non trên triền đất đỏ Tân Hưng, Tân Uyên, Bình Dương. Nhà văn Phạm Thành từ Hà Nội vào Sài Gòn rủ tôi đi thăm Nhật Tuấn. Chiếc ô tô bảy ghế do em họ Phạm Thành lái đang ngập ngừng dò đường giữa những lô cao su bạt ngàn thì Nhật Tuấn đi chiếc xe máy màu trắng ra đón.
Lá rụng rải đầy mảnh sân. Lá khô phủ dày đáy bể bơi nhỏ kiệt nước trong sân. Hoa giấy nở rực trước nhà. Trong nhà khá đủ tiện nghi. Đồ nấu nướng đã chuẩn bị sẵn. Bạn văn cả nước, bạn văn từ nước ngoài đến Sài Gòn đều tìm đến thăm Nhật Tuấn nên Nhật Tuấn đã quá thuần thục với thao tác làm bữa ăn tiếp khách. Buổi trưa nắng gắt, van nước được mở ra cho những tia nước từ dàn ống phun nước xuống mái tôn. Chúng tôi cụng li dưới mái tôn đầu nhà được những tia nước làm mát như vậy. Nhật Tuấn trách tôi: Ông ở ngay Sài Gòn mà hôm nay mới đến đây. Tôi bảo: Hôm nay Phạm Thành phải về ngay nhưng thế nào tôi cũng có đêm ngủ lại đây với anh.
Đại hội IX hội Nhà Văn Việt Nam họp vào giữa tháng bảy năm 2015 ở Hà Nội. Cuối tháng sáu, trên facebook, Nhật Tuấn đều đặn đưa ảnh chụp những nơi anh dừng chân trên hành trình hướng ra Bắc. Ngày 29 tháng sáu, Nhật Tuấn đưa ảnh anh chụp ở Nha Trang. Tôi liền comment chọc anh: Nhà văn “Đi Về Nơi Hoang Dã” rời miền hoang dã trên đường về kinh dự đại hội nhà văn của đảng, ứng cử vào ban chấp hành hội Nhà Văn tiêu tiền của dân viết nịnh đảng. Không ngờ Nhật Tuấn giận dữ nổi xung: Ông Trọng ơi, ông giỡn chơi hay thật vậy? Tại sao gắp lửa bỏ tay người vậy? Tôi về dự đại hội hồi nào? Tôi viết nịnh đảng ở đâu? Ông thử nói coi.
Đó, con người Nhật Tuấn đó.
Nhật Tuấn vào hội Nhà Văn Việt Nam từ năm 1978 nhưng trước sự đánh mất những giá trị văn hóa của hội Nhà Văn Việt Nam, Nhật Tuấn đã xa lánh, không bén mảng đến mấy đại hội gần đây của hội Nhà Văn Việt Nam.
Nhật Tuấn có mặt trong cuộc đời từ ngày 7 tháng 9 năm 1942. Cuộc đời ngày càng đảo điên, mọi giá trị đảo lộn. Những giá trị làm người cũng không được nhìn nhận, không còn có trong cuộc đời. Có phải vì thế mà ngày 6 tháng 10 năm 2015, Nhật Tuấn lại đột ngột, lặng lẽ xa lánh luôn cả cõi đời!
Nhật Tuấn không còn trong cõi đời nhưng Nhật Tuấn còn mãi trong tôi. Nhật Tuấn còn mãi trong văn chương Việt Nam, còn mãi trong lịch sử văn học Việt Nam.