Thanh Hà (RFI) Tạp chí kinh tế 23/05/2023 — Ngăn chận Trung Quốc dùng thương mại, kinh tế như một loại vũ khí phục vụ các mục tiêu chính trị, ngoại giao hay chiến lược : Thất bại được báo trước của thượng đỉnh G7 Hiroshima. Làm thế nào để ngăn cản một thủ đoạn mà chính phương Tây, đứng đầu là Mỹ, vẫn thường xuyên sử dụng ?
Theo giới quan sát, tương tự như trong rất nhiều lĩnh vực công nghiệp, Bắc Kinh đã quan sát, học hỏi những phương pháp của những quốc gia khác để tiến xa hơn khi bắt tay vào thực hành. Sử dụng thủ đoạn economic coercion bắt chẹt thế giới cũng vậy.
Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng tại Hiroshima, hôm 20/05/2023, 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) cảnh cáo mọi ý đồ khai thác « mậu dịch, kinh tế như một công cụ chính trị (…) mọi ý đồ biến sự lệ thuộc của G7 và các đối tác của khối này thành một mục tiêu quân sự ». Đồng thời G7 chủ trương giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào hàng hóa, nguyên liệu, vào dây chuyền sản xuất, vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Tại Washington, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan bồi thêm : G7 tuy không là một thượng đỉnh « chống lại Trung Quốc » nhưng đây là cơ hội để khối này tìm cách « giảm thiểu những rủi ro » đối với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng như giới phân tích quốc tế đều biết rõ, bản tuyên bố chung của G7 vì an ninh kinh tế toàn cầu nhắm vào Trung Quốc.
Continue reading