Thái Lan xác nhận bắt giữ Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Việt Nam

(VOA Tiếng Việt) 25/06/2024 — Các quan chức Thái Lan cho VOA biết rằng ông Y Quynh Bdap, một nhà hoạt động vì quyền của người Thượng, đã bị bắt ở Thái Lan vào một thời điểm trước đây trong tháng này theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam và một tòa án ở Thái Lan sẽ đưa ông ta xét xử vào ngày 15/7 tới, VOA News đưa tin hôm 23/6.

Một tòa án Thái Lan đã ban hành lệnh bắt giữ ông Bdap “theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền Việt Nam, dựa trên phán quyết của tòa án Việt Nam rằng ông Bdap phạm tội khủng bố”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nói với VOA.

Thiếu tướng Khemmarin Hassiri, cố vấn cho phó giám đốc cảnh sát Thái Lan, cho VOA biết các tòa án hình sự đã lên lịch xét xử dẫn độ ông Bdap vào ngày 15/7.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về xác nhận trên của nhà chức trách Thái Lan, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Y Quynh Bdap, 32 tuổi, đã sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018 sau các hoạt động của ông nhằm cổ vũ cho nhân quyền và tự do tôn giáo của người Thượng ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.

Ông Y Quynh Bdap phát biểu trong video do ông tự ghi hình ngày 7/6/2024 rằng ông có nhiều khả năng sẽ bị bắt.

Như VOA đã đưa tin, giới hoạt động cho hay cảnh sát Thái Lan bắt giữ ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập viên của nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ) tại Bangkok hôm 11/6 với cáo buộc phạm tội nhập cư bất hợp pháp.

Trước sự việc này, những người ủng hộ nhân quyền kêu gọi Thái Lan chớ cưỡng ép ông Bdap hồi hương vì lo ngại cho sự an toàn của ông.

“Yêu cầu dẫn độ của chính quyền Việt Nam đối với chính quyền Thái Lan là một hành động vô nhân đạo đối với nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người đã được cấp quy chế tỵ nạn của liên hiệp quốc (UNHCR)”, ông Y Phic Hdok, đồng sáng lập viên của nhóm người Thượng vì công lý, nêu nhận định với VOA hôm 24/6. “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cân nhắc kỹ lưỡng và tôn trọng nhân quyền”.

Ngoài ra, ông Hdok còn yêu cầu chính quyền Thái Lan hủy bỏ phiên tòa sắp tới đối với ông Y Quynh Bdap và cho rằng việc cáo buộc ông cư trú bất hợp pháp “là không công bằng, khi ông có lý do chính đáng để xin tỵ nạn vì không thể trở về quê hương nơi ông bị áp bức”.

Bà Elaine Pearson, giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) viết trên trang X hôm 23/6 rằng “HRW rất quan ngại về sự an toàn của ông Y Quynh Bdap và về khả năng ông được xét xử công bằng tại Việt Nam”.

Hôm 19/6, Diễn đàn Nhân quyền và Phát triển châu Á (FORUM-ASIA), Liên minh Thế giới về Sự tham gia của Công dân (CIVICUS), Mạng lưới Dân chủ châu Á và tổ chức Front Line Defenders bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về việc chính quyền Thái Lan bắt giữ ông Y Quynh Bdap, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông “ngay lập tức” và không dẫn độ ông về Việt Nam.

Hồi tháng 1/2024, một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk tuyên án gần 100 người liên quan đến vụ xả súng tại ở trụ sở 2 xã thuộc huyện Cư Kuin trong tỉnh vào tháng 6/2023, với án nặng nhất là tù chung thân. Trong khi đó, ông Y Quynh, một bị cáo vắng mặt, bị tuyên 10 năm tù với cáo buộc “tham gia vụ khủng bố, giết người”.

Trao đổi với VOA sau phiên xử, ông Bdap bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam, nói rằng ông bị “vu khống” và bị gán tội “khủng bố”.

Chính quyền Việt Nam cho rằng vụ tấn công trên là “hoạt động khủng bố có tổ chức” và nhóm MSFJ, được thành lập vào năm 2019, đã sử dụng mạng xã hội “liên lạc, kích động những người thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật”.

Theo VOA News, Thái Lan và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán về một hiệp định dẫn độ chính thức. Ông Khemmarin cho biết những cuộc đàm phán này có thể sẽ tiếp tục trong chuyến thăm Việt Nam trong tương lai của các quan chức cấp cao Thái Lan, có thể vào tháng tới.

Bộ Ngoại giao Thái Lan, cơ quan dẫn đầu các cuộc đàm phán hiệp định, không trả lời các câu hỏi của VOA về một hiệp định có thể đạt được.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok cũng không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận của VOA.

Về trường hợp của ông Bdap, phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Chai Watcharong nói với VOA rằng Thái Lan sẽ “xem xét tất cả các yếu tố và mối quan ngại liên quan, bao gồm cả sự an toàn của người bị cáo buộc phạm tội. Tòa án sẽ quyết định liệu có các hành vi phạm tội như bị cáo buộc không và yêu cầu dẫn độ có được chấp nhận là có thể bị dẫn độ hay không”, vẫn theo VOA News.

Ông Watcharong nói thêm: “Ở giai đoạn này tốt hơn là không nên phán xét trước quyết định của tòa án”.

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment