Sáng mắt sáng lòng chưa, các bạn nhà báo?

Ba Sàm Đôi lời: – Anh Như Phong nói quá đúng: ‘Nghề phóng viên là phải như con chó ấy’. Hoặc là cam phận làm chó giống như anh Như Phong, hoặc không chịu làm chó thì bị chúng đánh như đánh… chó. Chó đánh còn được kêu la, trong khi nhà báo bị đánh mà chẳng dám “ẳng” lên một tiếng, bị thương mà cũng phải từ chối yêu cầu trưng cầu giám định sức khỏe, chẳng dám kiện tụng, lại còn bị phạt hơn 14 triệu đồng nữa. Đúng là chó má! Làm nhà báo thế này, thà làm chó sướng hơn!


Nhà báo Quang Thế (áo trắng) bị hành hung khi đang
tác nghiệp trên cầu Nhật Tân – Ảnh: M.C./ báo TT

FB Phạm Đoan Trang 30-9-2016 – Thời mình còn tư duy như một nhà báo lề phải, tức là trước năm 2012, có lần mình nói với bác Phạm Toàn (nhà giáo Phạm Toàn, sáng lập nhóm làm sách Cánh Buồm, sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam) như thế này:

– Bác ạ, có nhiều việc các bác làm thì được, bọn cháu thì không. Vì các bác là trí thức mà lại cao tuổi, bọn nó chẳng bắt làm gì, cũng khó chửi các bác. Chứ như bọn trẻ chúng cháu mà làm thì bọn nó chửi chết.

Bác Phạm Toàn cười: “Đừng bao giờ nghĩ là “người già” thì bọn nó nể, ngốc ạ”.

Sau đó chỉ một thời gian rất ngắn, mình đọc được trên mạng các câu chửi rủa của dư luận viên và an ninh nhằm vào các bác trí thức cao tuổi mà thất kinh. Chúng chửi sạch cả “Sàm, Bô, Diện”, tức là mấy trang blog của trí thức lập ra như Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, Nguyễn Xuân Diện. Người già thì chúng cũng chửi, gần đây các dư luận viên còn chửi cả GS. Mạc Văn Trang, GS. Nguyễn Đình Cống là “thằng già”.

Thế là mình sáng mắt.

* * *

“DÂN SINH À, PHI CHÍNH TRỊ À? DÂN SINH THÌ CŨNG CHỬI CŨNG ĐÁNH”

Vẫn cái thời mình tư duy như một nhà báo lề phải, mình nói với mọi người:

– Phải hoạt động đảng phái, chống chính quyền ra mặt, muốn dùng bạo lực lật đổ chế độ, công an mới để ý cơ. Chứ chuyện dân sinh, cơm áo gạo tiền mà dân bức xúc, thì ai chửi, ai đánh làm gì.

Mình vừa dứt lời thì nổ ra một loạt vụ cưỡng chế đất đai (Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản…). Một mặt, chính quyền huy động công an đánh dân tơi bời, mặt khác, dư luận viên hoạt động rầm rộ trên các blog, chửi bới rủa xả nông dân bằng những lời độc địa nhất.

Thế là mình sáng mắt.

* * *

“ÔN HÒA À, CẦM CỜ, CẦM ẢNH BÁC À? CỜ VỚI BÁC THÌ CŨNG ĐÁNH”

Dần dần mình bớt tư duy như một nhà báo lề phải, và bắt đầu tham gia thường xuyên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. Mình nghĩ: “Chắc đi biểu tình chống Trung Quốc, không đi xuống lòng đường, không giẫm lên cỏ, không cản trở giao thông, thì không sao”. Mình còn thấy nhiều người cầm cờ đỏ, ảnh Bác, ảnh tướng Giáp đi biểu tình nữa, nên trong bụng càng yên tâm.

Cuối cùng, mặc dù mình đã cố hết sức “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, không cầm biểu ngữ, không hô khẩu hiệu, mình vẫn bị bắt lên xe buýt đưa về trại Lộc Hà tới ba lần. Mấy bạn trẻ mặc áo cờ đỏ và bà con dân oan cầm ảnh Bác còn bị công an thụi cho, xé rách luôn cả cờ (không biết ảnh Bác có bị đập vỡ không).

Trên mạng, dư luận viên ồ ạt chửi bới, lăng mạ người biểu tình, gán cho họ cái nhãn “gây rối”. Coi như biểu tình vì yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống Trung Quốc, phản ánh bức xúc của dân oan, hay vì yêu môi trường… thì cũng đều chung ráo một rọ “gây rối” cả.

Thế là mình sáng mắt.

* * *

“BÁO CHÍ À, LỀ PHẢI À? BÁO CHÍ THÌ CŨNG CHỬI CŨNG ĐÁNH”

Cũng cái thời còn tư duy như một nhà báo lề phải, mình rất dị ứng với cụm từ “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập”. Khi nghe có người viết nào đó bị công an đánh, mình nghĩ: “Chắc lại blogger đi tác nghiệp đây”. Khi có nhà báo bị bỏ tù, mình nghĩ: “Chắc do có vấn đề trong tác nghiệp, non kém về nghiệp vụ nên phạm sai lầm gì đây”.

Gì chứ ai chẳng biết báo chí có nhiệm vụ “tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới…; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí…; bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội…” (Điều 4 Luật Báo chí nước CHXHCN Việt Nam).

Với những nhiệm vụ ấy, báo chí là người bạn đồng hành thân thiết của các chiến sĩ công an; nhà báo với công an là bạn – vì cùng chia sẻ nhiệm vụ rất gần gũi nhau, chẳng phối hợp, hợp tác với nhau thì thôi chứ sao công an lại đánh nhà báo.

Hôm nay, mình được biết là Công an Hà Nội khẳng định nhà báo Quang Thế của Tuổi Trẻ không bị ai đánh cả, chỉ bị gạt tay vào má dẫn đến hộc máu thôi, với lại vụ việc giữa Quang Thế và mấy anh công an huyện Đông Anh là một vụ “xô xát” giữa đôi bên, chứ không phải Quang Thế bị công an hành hung. Quang Thế còn bị phạt hơn 14 triệu đồng nữa. Bên cạnh đó, các trang web của dư luận viên cũng hối hả định hướng dư luận, chửi bới báo chí rát mặt, lại còn không ngớt đe dọa và đòi truy tố nhà báo nữa kia.

Mà Quang Thế là nhà báo của tờ Tuổi Trẻ – một trong những cơ quan báo chí lớn nhất, uy tín nhất Việt Nam lúc này đấy nhé.

Hóa ra nhà báo hẳn hoi, lề phải hẳn hoi, báo lớn hẳn hoi, cũng đừng mong được dư luận viên và an ninh nể. (Hai lực lượng đó thực ra là một thôi, vì đội ngũ dư luận viên chuyên nghiệp đều là do an ninh giật dây, chỉ đạo, cung cấp thông tin cả).

Đúng như Trung Bảo nói, “nhà báo khác chó gì dân”!

Mà vì mỗi người dân, nếu có tư duy phản biện và lương tâm chống lại cái xấu, đều là một tên phản động dự khuyết, kẻ thù tiềm tàng của chế độ, cho nên nhà báo, nếu tuân theo đạo đức nghề nghiệp, cũng khác chó gì phản động đâu! Chung số phận cả thôi, các bạn đừng tưởng “chỉ làm báo, không làm phản động” thì không gặp vấn đề gì với “người của chính quyền”.

Lần này thì mình sáng mắt lâu rồi, nên mình chẳng ngạc nhiên nữa.

Nhà báo khác chó gì dân

FB Trung Bảo 23-9-2016 – Một lần lâu lắc rồi, tôi đi vòng vèo ở miền Tây, đến một xã nọ đang sửa cầu qua sông. Thấy cạnh cây cầu đang sửa là bến phà tạm do chính quyền tổ chức và có thu vé dân qua phà. Tôi đưa máy ảnh lên chụp tấm bảng giá vé, ngay lập tức ba thanh niên mặc đồng phục công an xã lăm lăm dùi cui xuất hiện bao vây. Một trong ba người gầm gừ đòi “bắt” tôi về xã vì nghi là “phản động”. Không cãi cọ, tôi chấp hành ngay tức khắc và cũng không xưng mình là nhà báo. Tôi biết chỉ cần mình mở miệng nói chuyện luật với những công an viên này thì cầm chắc là bị ăn đòn, và tôi cũng muốn xem họ xử lý vụ việc như thế nào.

Hôm qua các nhà báo ở Hà Nội bị ăn đòn của các “chiến sĩ” cảnh sát hình sự. Ngay lập tức các đồng nghiệp của nạn nhân đã lên tiếng bảo vệ. Cũng ngay sau đó lãnh đạo của các tay côn đồ này đã đến xin lỗi, nài nỉ phóng viên đừng đưa lên báo. Sau đó là lời hứa của ông trưởng ty cảnh sát thủ đô, sẽ “xử lý nghiêm”.

Bênh vực đồng nghiệp dĩ nhiên cần thiết. Vừa bảo đảm an toàn về sau cho chính mỗi người làm báo, và lớn hơn là để bảo vệ quyền tự do thông tin. Nhưng, khi những nhà báo bị ăn đòn trào máu miệng thì họ có nhớ đến những vụ dân oan, người biểu tình bị đánh đập dã man? Họ có nhớ đến nhiệm vụ đưa tin của mình? Họ có nhớ mình đã ngoan ngoãn tự tránh xa những đám đông biểu tình, ngoan ngoãn vâng lời “cơ quan” để thậm chí một dòng trên facebook cá nhân cũng không dám viết?

Vẫn có những nhà báo bức xúc với thời cuộc, chọn facebook để viết những điều họ không thể đưa lên trang báo nơi đang trả lương cho mình. Nhưng các nhà báo đi “khuyên nhủ” người khác phải luồn lách cho “khôn ngoan” thì nhiều hơn hẳn.

Trận đòn hôm nay với các nhà báo nên xảy ra nhiều hơn nữa, và sẽ tất yếu như vậy thôi. Để các nhà báo hiểu rằng thân phận của họ thật ra không khác gì những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, chống Formosa… mà có những kẻ trong số họ đã bĩu môi cười khẩy với câu hỏi muôn thuở: “Làm vậy thì được gì?”. Sẽ không có gì khác nếu họ không tự đấu tranh với bạo quyền, với chính mình.

FB Khôi Nguyên 30-9-2016 – Mấy anh chị nhà báo lề đảng sáng mắt ra chưa? Làm loa tuyên truyền cho đảng, bị công an đánh trào máu họng vậy mà được chúng giải thích nhẹ như không: Gạt Tay và Nhấc Chân Hơi Cao, lại còn bị phạt tiền nữa chứ, bố láo đến thế là cùng.

Cũng đúng thôi, lực lượng công an là thanh gươm lá chắn của đảng, đương nhiên phải được đảng cưng chiều hơn cánh nhà báo của các anh chị. Thân phận tôi đòi bao giờ cũng phải chịu thấp hèn hơn thằng lính bảo vệ mạng sống của đảng.

Chỉ khi nào cánh nhà báo đứng về phía nhân dân, khi đó các anh chị sẽ được dân bảo vệ. Đừng để thân phận của các anh chị kẹt giữa hai làn đạn!

► Mời xem lại: Khiển trách cảnh sát “gạt tay trúng má phóng viên” (TP/ Mạnh Kim/ BS). – ‘Nghề phóng viên là phải như con chó ấy’ (PT/ BS). – Khi “nhà báo” trở thành “nhà chó” (blog RFA/ BS). – Chuyện đời như PHONG và như KHUYỂN (BS). – Đời làm chó, người làm báo (Tuấn Khanh/ BS). – Luân Lê: NGHỀ BÁO (BS).

Sự nhạo báng niềm tin

FB Trung Bảo(Ba Sàm) – Tôi tin ông Ngọc, người phát ngôn của CAHN, chẳng cảm thấy sung sướng gì khi phải chường mặt ra để thiên hạ rủa sả khi có cái phát ngôn để đời về vụ “gạt tay vào má” của cảnh sát hình sự Đông Anh với phóng viên Tuổi Trẻ. Tôi cũng tin, hai cảnh sát hình sự giờ đây không vui vẻ gì với những chuyện đã xảy ra. Tôi càng tin, những người làm báo đều cảm thấy bị xúc phạm khi thấy đồng nghiệp mình bị đánh rồi còn bị phạt tiền.


Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: “Cảnh sát Đông Anh
gạt tay trúng má phóng viên”. Ảnh: internet

Thế nhưng nếu có xảy ra một vụ tương tự thì ông Ngọc sẽ lại phát ngôn như vậy, các cảnh sát vẫn có thể ra tay như vậy và các nhà báo ngoài giận dữ trên facebook cũng chẳng biết làm gì khác như vậy.

Không có gì sai khi nói rằng lực lượng công an là lực lượng được chiều chuộng nhất trong xã hội hiện nay. Họ đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội, nhưng chế độ cần họ hơn trong vai trò “lá chắn” và “thanh kiếm” cho chính mình.

Nếu biết rằng mọi Tổng biên tập đều là đảng viên thì không có gì ngạc nhiên khi các đảng viên phải chấp hành quyết định của cấp uỷ đảng cao hơn, ở đây là ban Tuyên Giáo. Vì vậy, họ xếp hàng đi dưới tấm bảng chỉ đường sau mỗi quyết định được thông tin cái nào, hay tránh né cái khác, là chuyện hợp lẽ.

Nhưng với phát ngôn và quyết định phạt hôm qua thì khác. Sự nhạo báng công luận đã lên ở một tầm mức cao hơn. Công an cho thấy họ có thể đánh người xong mà vẫn được bao che, thậm chí tiếp tục trừng phạt người bị đánh. Nhà báo cho thấy số phận của họ không khác gì mọi thành viên trong xã hội này, cho dù mang vác trên vai trách nhiệm thông tin cho xã hội.

Thấy nhiều người kêu gọi 14.000 nhà báo ở Việt Nam góp mỗi người 1.000 đồng cho anh phóng viên đóng phạt. Tôi sẽ không góp. Tôi không đồng ý với quyết định xử phạt này. Báo Tuổi Trẻ, ngoài việc cố tỏ ra khách quan trên mặt báo, điều làm chua xót không ít người có lương tri, thì hãy bảo vệ phóng viên của mình bằng cách đệ đơn lên toà phản đối quyết định xử phạt nói trên. Tôi không có mặt tại hiện trường nên không khẳng định được anh phóng viên Tuổi Trẻ có làm gì vi phạm pháp luật như kết luận xử phạt nêu, nhưng không ai có quyền đánh người.

Nếu im lặng, báo Tuổi Trẻ mới là người đang nhạo báng niềm tin của những ai đã dành cho tờ báo này.

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment