Nói về Nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt nam

Hà Huy Toàn (Dân Luận) – Tôi quen biết nhiều giáo viên. Tôi thường xuyên tranh luận với họ về chính họ. Qua tranh luận với họ, tôi nhận thấy một sự thật hiển nhiên: con hư tại cha mẹ, cháu hư tại ông bà, trẻ con hư tại người lớn, học sinh hư tại nhà trường, nhà trường hư tại thể chế, thể chế hư tại tư tưởng, tư tưởng hư tại nhà giáo, tức là tất cả những người làm giáo dục (bao gồm cả giáo viên lẫn các nhà quản lý giáo dục hoặc các quan chức giáo dục); tất nhiên, cái vòng tròn đó có thể được đảo ngược thành một vòng tròn khác: con ngoan tại cha mẹ, cháu ngoan tại ông bà, trẻ con ngoan tại người lớn, học sinh ngoan tại nhà trường, nhà trường tốt tại thể chế, thể chế tốt tại tư tưởng, tư tưởng tốt tại nhà giáo.

Nói như vậy tức là nhà giáo đóng vai trò quan trọng nhất trong xã hội. Nhà giáo tốt sẽ tạo ra xã hội tốt; ngược lại, nhà giáo xấu sẽ tạo ra xã hội xấu. Xã hội tốt liên quan đến họ nhưng xã hội xấu cũng liên quan đến họ. Chính họ phải chịu trách nhiệm nhiều nhất trước hiện trạng xã hội: nếu xã hội tốt thì họ xứng đáng được tôn vinh nhiều nhất nhưng nếu xã hội xấu thì họ phải bị lên án nhiều nhất.

15079000_10202407676668956_9125432009762224190_n

Để tránh các cuộc tranh cãi lạc đề, tôi xin xác quyết chắc chắn rằng, giữa xã hội xấu với xã hội tốt không hề có ranh giới tuyệt đối mà cũng chỉ có ranh giới tương đối: xã hội xấu cũng có người tốt nhưng người tốt ít hơn kẻ xấu khiến kẻ xấu áp đảo người tốt, như xã hội Tàu hoặc xã hội Việt nam chẳng hạn; ngược lại, xã hội tốt cũng có kẻ xấu nhưng kẻ xấu ít hơn người tốt khiến người tốt áp đảo kẻ xấu, như xã hội Mỹ hoặc xã hội Nhật bản chẳng hạn.

Vậy thế nào là nhà giáo tốt, hoặc thế nào là nhà giáo xấu? Làm thế nào để phân biệt nhà giáo tốt với nhà giáo xấu? Làm thế nào để tạo ra nhà giáo tốt? Đó chính là một vấn đề hệ trọng cần phải được giải quyết thấu đáo bởi chính tất cả những người nào được gọi là nhà giáo dục hoặc thậm chí cả triết gia giáo dục.

Nhà giáo có thể được phân chia thành hai loại khác nhau: một loại liên quan đến các môn học tự nhiên có thể được gọi tạm là giáo viên tự nhiên, một loại liên quan đến các môn học xã hội có thể được gọi tạm là giáo viên xã hội. Cách gọi tên như vậy chỉ nhằm làm sáng tỏ vấn đề được bàn luận ở đây, không nên được áp dụng cho các công trình khác mà chỉ nên được áp dụng cho bài báo này thôi.

Ở các nước dân chủ hầu như không có nhà giáo xấu mà chỉ có nhà giáo tốt khiến ranh giới phân biệt giữa giáo viên tự nhiên với giáo viên xã hội không trở thành vấn đề, tất cả các nhà giáo đều được đào tạo bài bản theo quy trình khoa học: vừa được trang bị kiến thức khoa học vừa được huấn luyện kỹ năng khoa học, để trở thành các nhà giáo tốt, nếu có nhà giáo xấu thì họ cũng bị loại trừ dễ dàng bởi luật pháp nghiêm minh. Nhưng ở các nước độc tài, như Việt nam chẳng hạn, lại không hề có chuyện đó. Giáo viên tự nhiên có thể được đào tạo tốt nhưng cũng không thể tránh khỏi bị nhồi sọ bởi những tư tưởng độc hại, như Chủ nghĩa Marx – Lenin chẳng hạn, v.v…, những tư tưởng đó ngăn cản họ tiếp nhận tri thức mới khiến họ không tránh khỏi bị lạc hậu, họ có thể không sai lầm nhưng chắc chắn rất lạc hậu. Tôi hỏi nhiều giáo viên Toán về Định lý Bất toàn, họ trố mắt ngạc nhiên trả lời thành thật: chưa bao giờ nghe nói về cái định lý đó! Tôi cũng hỏi nhiều giáo viên Vật lý về mâu thuẫn giữa thuyết tương đối với Chủ nghĩa Marx – Lenin, họ cũng ú ớ không biết! Tôi hỏi nhiều giáo viên Sinh học về hệ quả tiêu cực từ Tiến hoá luận, họ không hề biết chủ nghĩa phát – xít (fascism) đã dựa nhiều vào đó, họ cũng không biết Giải thưởng Nobel về Hoá học được trao cho Giáo sư Tomas Lindahl (Thụy Điển), Paul Modrich (Mỹ) và Aziz Sancar (mang hai quốc tịch: Mỹ và Thổ nhĩ kỳ) vào năm 2015 đã bác bỏ thẳng thừng Tiến hoá luận! Giáo viên xã hội còn tệ hại hơn nhiều: họ không chỉ lạc hậu thê thảm mà còn sai lầm tệ hại, làm cho học trò càng học càng ngu sy, càng học càng láo toét. Ai cũng biết bạo lực học đường đang lan tràn khủng khiếp tại Việt nam. Đó không chỉ là di chứng tâm lý từ Chiến tranh Cách mạng mà còn là hệ quả tất yếu từ việc nhồi nhét Chủ nghĩa Marx – Lenin cho thế hệ trẻ trong nhà trường! Tôi xin viện dẫn một ví dụ cụ thể: sách giáo khoa Giáo dục Công dân lớp 10 đã nói ở trang 27 như sau: “Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hoà mâu thuẫn”. Không giải thích tại sao mà chỉ xác quyết cộc lốc như vậy. Xác quyết cộc lốc như vậy tức là xúi giục học sinh đánh nhau rồi còn gì nữa!? Nước Mỹ vừa trải qua một cuộc bầu cử thú vị, họ có một Hiến pháp cực kỳ thông minh để điều hoà mâu thuẫn. Tại sao chúng ta lại dạy bảo học sinh rằng: “Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hoà mâu thuẫn”? Phải chăng chúng ta khuyến khích học sinh yêu chuộng chiến tranh? Chưa kể sách giáo khoa Lịch sử còn khuyến khích học sinh nói dối làm cho nhiều học sinh nói dối thuần thục như Thần! Vân vân, còn nhiều nữa, tôi không thể kể ra hết bằng bài báo này nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng chính nền giáo dục sai lầm như vậy là nguồn gốc trực tiếp sinh ra mọi tội ác đang lan tràn khắp Việt nam hiện nay! Hình như cả nước Tàu cũng thế?

Gần đây dư luận bàn tán xôn xao về ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong đó có người còn đòi ông này từ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng tôi không thấy ai chỉ ra hệ quả tai hại từ việc đưa các môn học xã hội vào thi tốt nghiệp phổ thông mà không sửa đổi nội dung giáo dục. Đưa các môn học xã hội vào thi tốt nghiệp phổ thông là việc làm cần thiết nhưng nếu không sửa đổi nội dung giáo dục cho các môn học đó thì chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả tai ác nhất, có thể làm cho nòi giống Việt nam thoái hoá nghiêm trọng về đạo đức, tư tưởng và tâm lý. Hậu quả đó sẽ khiến người ta tin rằng: thà không học còn hơn học sai, thà không biết còn hơn biết sai, thà thất học còn hơn có học vấn rởm!

Đến đây chúng ta có thể nhận thấy câu trả lời chính xác cho các câu hỏi hệ trọng được nêu ra ở trên kia: Thế nào là nhà giáo tốt, hoặc thế nào là nhà giáo xấu? Làm thế nào để phân biệt nhà giáo tốt với nhà giáo xấu? Làm thế nào để tạo ra nhà giáo tốt?

Nhà giáo tốt là nhà giáo phải truyền đạt kiến thức đúng đắn vừa hữu ích vừa lành mạnh cho học sinh để tạo ra hoặc bảo tồn xã hội tốt. Ngược lại, nhà giáo xấu là nhà giáo chỉ truyền đạt kiến thức sai lầm vừa vô dụng vừa độc hại cho học sinh để tạo ra hoặc bảo tồn xã hội xấu.

Phải căn cứ vào kết quả giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức, trí tuệ, v. v…, để phân biệt nhà giáo tốt với nhà giáo xấu. Chẳng hạn, một học sinh nào mà yêu thích chế độ độc tài hoặc không phân biệt được chế độ độc tài với chế độ dân chủ sẽ chỉ chứng tỏ học sinh đó đã bị nhồi sọ nặng nề bởi các nhà giáo xấu. Nếu nhìn vào hiện trạng xã hội mà chỉ thấy cái xấu nhiều hơn cái tốt thì phải hiểu rằng chính nhà giáo đã hư hỏng trước rồi mới làm cho xã hội hư hỏng theo họ, họ hư hỏng mà không tự biết. Ngược lại, tự nó đã rõ ràng.

15134547_10202409207627229_3950835096944876330_n

Nếu nhìn vào hiện trạng xã hội mà chỉ thấy cái xấu nhiều hơn cái tốt thì cần phải xem xét lại triết lý giáo dục: cần phải thay thế nền giáo dục nhồi sọ bằng nền giáo dục khai phóng. Cần phải có một triết lý khai sáng về giáo dục để mới có thể tạo ra nhà giáo tốt!

Thật may mắn cho Việt nam: không phải tất cả các nhà giáo đều xấu, không phải tất cả các nhà giáo đều ngu, không phải tất cả các nhà giáo đều ác. Trong đám đông mê muội vẫn có một số ít người nào đó nhận thấy vấn nạn nghiêm trọng đang đe doạ cả một dân tộc hiếu học!

HÀ HUY TOÀN
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt nam 2016!

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1/ Hà Huy Toàn: Chủ nghĩa Marx. Dân Luận, ngày 14/8/2015 (https://www.danluan.org/tin-tuc/20150814/ha-huy-toan-chu-nghia-marx).

2/ Perry Marshall: Incompleteness Theorem – The #1 Mathematical Discovery of the 20th Century. Bản dịch Việt ngữ được thực hiện bởi Phạm Việt Hưng: Định lý Bất toàn – Khám phá Toán học số 1 trong thế kỷ 20. Blog Phạm Việt Hưng, ngày 29 Tháng Tám 2014 (https://viethungpham.com/2014/08/29/dinh-ly-bat-toan-cua-godel-kham-pha-toan-hoc-so-1-trong-the-ky-20/).

3/ Phạm Việt Hưng: Giải thưởng Nobel về Hoá học 2015 cho thấy Darwin đã dự đoán sai về nguồn gốc của sự sống. Đại Kỷ nguyên (Việt ngữ), ngày 24 Tháng Mười 2015 (http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/giai-nobel-hoa-hoc-2015-cho-thay-darwin-da-du-doan-sai-ve-nguon-goc-cua-su-song.html).

15037214_10202400680094046_6819030197309257376_n

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment