Đôi điều về bài viết của ông Nguyễn Hữu Liêm

Hồ Phú Bông (Đàn Chim Việt) 21/10/2022 — Trước tiên, việc ông Nguyễn Hữu Liêm dùng chữ “Kiều bào”. 

Ngay sau năm 1954 cộng sản Việt Nam thi hành lệnh của Mao Trạch Đông thực hiện chiến dịch Cải cách ruộng đất, đấu tố giết oan cả trăm ngàn người, họ có coi người miền Bắc là “đồng bào” hay không? Tiếp đến là tổ chức cuộc chiến tranh đẫm máu đánh chiếm miền Nam mà ông Hồ Chí Minh hô hào “Dù có đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập” giết thêm nhiều triệu người nữa ở cả hai miền đất nước, họ có coi là “đồng bào” hay không? Vì “kiều” là ở nước ngoài. “Bào” là cùng một bào thai, từ chữ “đồng bào” theo truyền thuyết Tiên Rồng, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở 100 con.

Ông Nguyễn Hữu Liêm.

Do đó người Việt sống ở nước ngoài là Việt kiều, còn “Kiều bào” là cách cộng sản tuyên truyền cho nội dung chính trị của Nghị quyết 36. Vì thế phát biểu của ông Ngô Trịnh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người nước ngoài, như nhận xét của ông Nguyễn Hữu Liêm, là “về phía phái đoàn ngoại giao thì đánh giá Nghị quyết 36 là một thành công lớn, một bước ngoặc quan trọng trong chính sách của Đảng đối với Kiều bào trong tiến trình hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai.” [1]

Như vậy, thấy ngay trước mắt, là họ có một “thành công”. Đó là, chính ông Nguyễn Hữu Liêm xác nhận mình là “Kiều bào” tuyên truyền “hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai” dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN!

Bây giờ thử đi vào vài điều theo từng phân đoạn của bài viết:

Chưa sòng phẳng với quá khứ

Có ý kiến cho rằng chế độ chính trị CSVN đã thay đổi rất nhiều, từ bản chất cầm quyền đến trình độ nhân sự. Các chính sách thực tiển đối với Việt kiều cũng đã rất thông thoáng và tiến bộ nhiều mặt. Tuy nhiên, hố sâu ngăn cách giữa Đảng và Kiều bào vẫn còn đó.

Tác nhân tạo ra hố sâu đó là Đảng CSVN. Nhưng cho đến nay, Đảng vẫn chưa nhận lấy trách nhiệm đó, ít nhất là về mặt đạo lý dân tộc.

Việc “CSVN đã thay đổi rất nhiều, từ bản chất cầm quyền đến trình độ nhân sự sẽ nêu ra ở phần bên dưới. Còn nếu muốn “sòng phẳng với quá khứ” “về mặt đạo lý dân tộc thì điều trước tiên đảng CSVN phải trả lại tất cả những gì họ đã cướp được của miền Nam sau 1975 cho chính chủ nhân.

Trí tuệ nông dân

Trong lúc thảo luận hôm ấy, một nhân sĩ đặt tên cho những chính sách sai lầm và kém cỏi là tác phẩm của trí tuệ nông dân. Mới nghe qua thì tên gọi nầy có vẻ như là một xúc phạm. Nhưng thực ra đó là một nhãn hiệu công bằng. Đảng CSVN hãnh diện là của giai cấp công nông – tức là của giới vô sản, bần cùng. Với trí tuệ và ý chí công nông, vô sản đó, họ đã làm nên lịch sử, một lịch sử bách chiến bách thắng

Đảng CSVN vẫn giương cao khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác – Lê Nin vô địch, bách chiến bách thắng!” “Thành tích vĩ đại” đó là biển máu. Biển máu của người Việt Nam và giai cấp công nông vô sản bần cùng do nhiều đời Tổng bí thư mà xuất thân của họ có người là “hoạn lợn”, với ông Lê Duẩn thì “ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước XHCN… ”, còn với ông Lê Đức Anh thì ra lệnh “không được nổ súng” nên quân nhân giữ đảo Gạc Ma trở thành bia thịt của quân xâm lăng Trung Quốc. Khi bị dư luận lên án dữ dội thì thêm vào chữ “trước”, trở thành “không được nổ súng TRƯỚC”! Như vậy thì biển máu của dân đâu có gì lạ?

Mà máu đã đổ thì nạn nhân rất khó quên. Đã thế, sau chiến thắng 1975 là cướp. Vì căn tính “bần cùng” thời bao cấp nẩy sinh mầm “đạo tặc” đã đi vào tiềm thức quan chức, nên có cơ hội là họ cướp. Cướp thành hệ thống. Tham nhũng là cướp tinh vi, điển hình như vụ án covid và “các chuyến bay giải cứu”!

Bách chiến, bách thắng” như thế thì ô nhục chứ nói gì đến cảm hóa được lòng người, dẫu người miền Nam vốn nhân hậu.

Khúc quanh vươn thoát

Ông Nguyễn Hữu Liêm nhận xét: “Trên bình diện chính trị, Nghị quyết vẫn thể hiện ý chí chiến thắng, định kiến một chiều, đánh giá không chính xác về tâm tư kiều bào gốc VNCH, coi họ chỉ là đối tượng nhằm chinh phục chính trị và khuyến dụ kinh tế – thay vì nhằm chia sẻ và thông hiểu vết thương sâu thẳm mà Kiều bào đang còn chịu đựng. Đó là chưa nói đến ý tưởng xây dựng cộng đồng Kiều bào ở hải ngoại theo đề án của Đảng, dù là tích cực, nhưng thiếu thực tế và không cần thiết.

Người miền Nam không cần sự “thương hại”. Kêu gọi CSVN thông hiểu vết thương sâu thẳm mà Kiều bào đang chịu đựng là hạ thấp nhân phẩm người miền Nam. Lịch sử rất công minh. Tội ác là tội ác. Không thể thực hiện tội ác rồi bày tỏ “thông hiểu vết thương sâu thẳm. Biết như thế nên CSVN mới cố công tẩy xóa tội ác bằng cách “viết lại lịch sử”. Nhưng hình ảnh nhân hậu, nếp sống văn minh và trù phú của VNCH đang sống lại từng ngày trên cả nước, tự nó chỉ ra chính phạm là cộng sản.

Đến logic thương tích của Kiều bào

Khi tôi đăng lên trang Facebook về buổi gặp mặt nói trên, tôi đã nhận được nhiều bình luận trái chiều. “Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”, hay, “Cộng sản tự bản chất là không bao giờ thay đổi.

Những kết án thuần chất khẩu hiệu của thời VNCH là những biểu dấu của cái logic thương tích mà chúng ta phải công nhận và thông cảm.

Những câu nhận xét về cộng sản, đã biến thành “câu cửa miệng”, vì nó chính xác, đúng với sự thật xảy ra. Thế nhưng ông Nguyễn Hữu Liêm cho đó là “Những kết án thuần chất khẩu hiệu của thời VNCH”? Nhìn lại những cái gọi là “chính sách trước sau như một”, “khoan hồng nhân đạo”, “kinh tế mới”, “đánh tư sản mại bản”, “giai cấp tiên phong công nông”, “đỉnh cao trí tuệ”… suốt gần nửa thế kỷ qua tự nó xác minh chứ đâu còn là “thuần chất khẩu hiệu” nữa?

CSVN có thay đổi không?

Tức là không những bản chất của chế độ đã thay đổi, mà ngay cả con người CSVN cũng đã thay đổi, đã tiến hóa rất xa. Vâng, cái gì cũng phải thay đổi, chuyển hóa theo thời gian. Chế độ và con người CSVN đã và đang thay đổi. Lần nữa, ta phải bình tâm để công nhận điều đó.

… tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều cán bộ cấp trung của chế độ. Hầu hết tuổi dưới 50 và tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín Âu Mỹ… tôi không thấy con người cộng sản nào ở họ, từ ngôn ngữ, nhân cách, phong thái. Ngay cả vị sĩ quan an ninh cấp tá hay mời tôi cà phê cũng là một con người sâu sắc, mang dáng dấp văn minh, lịch sự…

Nói gọn, VN nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa.

Dùng 3.000 cảnh sát cơ động để tiêu diệt MỘT đảng viên nông dân Lê Đình Kình và tuyên án tử hình con cháu ông vì họ chống cướp đất ở Đồng Tâm, tính sắt máu có thay đổi không? Ngày trước xử tử bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, môt đại ân nhân của đảng, thì ngày nay oan khuất trời không dung, đất không tha đó có khác không? Gia đình bà Cấn Thị Thêu, nông dân Dương Nội, là một Jacquou [2] tiêu biểu của VN hiện tại, bị giam tù vì dám chống cướp đất có khác thời Cải cách ruộng đất không? Còn vô số dân oan như Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội, Vườn rau Lộc Hưng… kể sao cho hết?

Với thành phần cán bộ tuổi dưới 50 hiện tại, tốt nghiệp ở các nước Âu Mỹ, chính là diễn biến chính trị. Nhưng diễn biến đó không phải cộng sản thay đổi mà từng bước số người đó tìm cách biến tài sản tham nhũng trở thành hợp pháp theo kiểu thể chế dân chủ. Vì thế mới có chương trình tuyển chọn “hạt giống đỏ” đi du học do ngân sách nhà nước. Thế nhưng, một số trốn lại, một số về thì bỏ việc nhà nước ra làm bên ngoài, chấp nhận đền bù tiền gấp đôi.

Như thế cái mác “tốt nghiệp từ phương Tây” có nhiều mặt. Loại làm quan, như vừa nói, cũng có thể “giúp” phương Tây yên tâm khi nói “tôn trọng sự khác biệt thể chế chính trị”! Tránh được tai tiếng “vì kinh tế làm ngơ chuyện nhân quyền” để họ thực hiện chiến lược toàn cầu vì lợi ích của đất nước họ. Còn thành phần trẻ khác am hiểu thật sự về Dân chủ, Tự do thì họ không là đảng viên. Hoặc, là đảng viên đứng ngoài guồng máy, cố vấn để tìm cách cứu chế độ khỏi sụp đổ, như trường hợp Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn.

Cần một Nghị quyết Kiều bào mới: Một lời tạ lỗi

ta phải đánh giá rằng, trên một bình diện nào đó, Nghị quyết 36 đã đưa Đảng CSVN đi đúng hướng trên hành trình hòa giải dân tộc thời hậu chiến. Nhưng nó chưa đủ và còn nhiều khuyết khiếm.

Một lời tạ lỗi thì có biểu tượng “rút khăn ra lau nước mắt” của ông Hồ Chí Minh, sau Cải cách ruộng đất. Ngay sau đó là, tiến hành cuộc chiến huynh đệ tương tàn 20 năm, với câu nói “dù có đốt cháy cả dãy Trường sơn bằng mọi giá cũng phải chiếm cho bằng được miền Nam”! “Nghị quyết 36 còn nhiều khuyết khiếm và “một lời tạ lỗi” như thế đã đủ chưa?

Tạm kết luận

Phải nói rõ rằng sau thảm kịch kinh hoàng huynh đệ tương tàn thì không một ai muốn gây thêm hận thù, chết chóc nữa! Nhưng, cứ ngây thơ tin những gì cộng sản nói (ví dụ tin là ông Nguyễn Hữu Liêm ngây thơ) thì người Việt Nam tiếp tục là nạn nhân. Vì cái gọi là “để cùng với người Việt khắp thế giới hướng về tương lai, xây dựng quốc gia” tức là chấp nhận cộng sản cai trị, trong lúc thế giới đã đào thải! Như thế thì người Việt Nam đâu có thông minh như tự hào (?) vì đi ngược lại tiến trình văn minh của nhân loại!

Nói chung, nội hàm bài viết của ông Nguyễn Hữu Liêm là “Việt Nam không phải là một quốc gia cộng sản nữa”. “Những ai về nước gần đây, đi vào vùng xa, làng thôn, dù nghèo khó vẫn còn đó, nhưng đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều. Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng để cho CSVN điểm cộng.

Như thế, với ông Nguyễn Hữu Liên thì CSVN đã thành công trong việc xây dựng đất nước?

Vâng! Nếu thế thì thử so sánh con số GDP / đầu người tại miền Nam năm 1960 với Việt Nam hiện tại.

– Vào năm 1960, là chỉ 5 năm sau khi khai sinh Đệ nhất VNCH từ một miền Nam bị cát cứ (tính theo USD) thì VNCH (223$) đứng sau các nước Singapore (395$), Malaysia (299$), Philippines (257$). Cao hơn Hàn Quốc (155$), gấp đôi Thailand (101$), gấp 2,4 lần Trung Quốc (92$), gấp 2,7 lần Ấn Độ (84$), và gấp 3 lần Bắc Việt Nam (73$).

– Vào năm 2020, là 47 năm VN theo chế độ XHCN, ôm chân bọn “Tư bản bóc lột” để làm Kinh tế thị trường trong thời bình (tính theo USD) thì VN (2.786$) đứng sau các nước Singapore (59.798$), Hàn Quốc (31.489$), Brunei (27.466$), TQ (10.500$), Malaysia (10.402$), Thái (7.189$), Indonesia (4.140$), Philippines (3.299$), Ấn Độ (1.901$)

Với những con số như thế thì VN XHCN hiện tại tụt hậu rất, rất xa so với các nước trong vùng!

Những con số tự nó không biết tuyên truyền thì phải giải thích như thế nào?

Nhưng, chỉ chú trọng hoàn toàn về kinh tế, như con vật chỉ biết kiếm ăn, thì con người có còn đúng nghĩa là con Người? Nhân phẩm bị đánh mất từ đâu và từ bao giờ thưa Kiều bào Nguyễn Hữu Liêm?

(20/10/2022)

——–
[1] những dòng chữ nghiêng được trích dẫn từ bài viết của NHL
[2] https://www.imdb.com/title/tt0418758/

1 Comment

Filed under Uncategorized

One response to “Đôi điều về bài viết của ông Nguyễn Hữu Liêm

Leave a comment