Để trả lời bài viết: Nọc độc Khổng Tử

Tăng Quốc Kiệt (ĐCV) 23/10/2023 — Tôi vừa đọc xong bài viết kí tên Huỳnh Viên trên net do người bạn chuyển và một bài tương tự đăng trên VN Global Network với tựa đề: Vì sao nho giáo là nọc độc của tinh thần, kí tên Đặng Tiến ( 8/10/2021 ) Tôi không biết ai thật sự là tác giả, trong bài viết này, tôi xin mạn phép trả lời ông Huỳnh Viên ( HV )

Ngày nay, do phong trào chống Trung quốc đang lên mạnh, (do chủ trương bá quyền nước lớn của Trung cộng ) cộng với khuynh hướng xem cái gì Made in China cũng xấu, lại thêm các viện Khổng Tử mọc lên cùng khắp để làm gián điệp, thành thử cụ Khổng trỡ thành nạn nhân là điều khó tránh

Tôi viết bài này không chỉ phản biện từng điểm một do ông HV nêu ra mà còn nhằm giải ảo những thành kiến về đạo Khổng mà tôi nghĩ như Phật dạy, bởi vô minh mà có. Tôi không nói về Khổng giáo nhìn toàn diện vì đạo Khổng vừa rộng lại vừa sâu mà trong phạm vi bài viết này không thể nói hết được

Xin nhắc Khổng Tử sống cách đây hơn 2500 năm, thời đại loạn của nước Trung hoa, chủ trương của ông là trị loạn, tất cả học thuyết của ngài là đưa phong hoá tốt đẹp của đời Nghiêu Thuấn mà giáo hoá người dân, Mạnh Tử tin rằng nhân chi sơ tính bản thiện nên dùng giáo dục dạy con người sống lương thiện, trái với phái pháp gia như Tuân Tử tin rằng nhân chi sơ tính bản ác, nên phải dùng hình phạt nặng răn đe để dân chúng sợ mà không phạm pháp

Khổng Tử chủ trương trong gia đình, ngoài xã hội, trong một nước, đâu đâu cũng phải có tôn ti trật tự, người trên phải giữ phận người trên, kẻ dưới phải giữ phận kẻ dưới, nhưng người trên không được áp bức kẻ dưới. Có những điều Khổng Tử dạy đúng cho muôn đời như phải giử lễ, nghĩa, liêm, sỉ hay phải tu thân tự sửa mình để ngày mai tốt hơn hôm nay để có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là các điều mà đời nào cũng tốt. Có điều không còn hợp thời nữa thì phải bỏ

Ông Huỳnh Viên lẫn lộn giữa học thuyết Khổng Mạnh chân truyền với cách diễn giải đạo Khổng bởi các thế hệ đời sau nhằm phục vụ các vua chúa củng cố nền cai trị độc tôn của họ. Khổng giáo với thời gian đã biến đổi từ nguyên thuỷ tới Hán nho, Đường nho, Tống nho, Tân nho…Khổng giáo thời tiên tần (tức là trước Tần Thuỷ Hoàng) rất tiến bộ

1/ Lời ông HV:

Triết lí nho giáo đầy rẫy những mâu thuẫn tự phủ định bản thân. Trong khi một mặt khuyên nam nhi chí tại tứ phương, mặt khác lại ràng buộc “ Phụ mẫu tồn, bất khả viễn du “= Cha mẹ còn sống thì không được đi xa

Đáp: Câu này luận ngữ chương Lý nhân IV: “ Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương “ Trần Trọng Kim dịch và giảng: Khi cha mẹ còn, không làm điều gì cho cha mẹ buồn, không nên đi xa, có đi xa thì phải cho cha mẹ biết đi chỗ nào, để cha mẹ khỏi lo, nhỡ có việc gì, còn biết nơi mà tìm. Tôi tưởng rằng ngày nay, con cháu ông HV có đi đâu, cũng nên báo cho ông biết, đó là lẽ thường. Khổng giáo không có dạy cứ phải ru rú ở nhà không thực hiện chí tại bốn phương

Trong sách Khổng học đăng, cụ Phan Bội Châu giảng: Nghĩa vụ loài người ở trên nghĩa vụ làm con, có khi phải đi làm việc quốc gia, không đóng cửa ở nhà mãi được, nên thánh nhân dạy: “ Sĩ nhi hoài cư, bất túc dĩ vi sĩ hĩ “: đã là kẻ sĩ mà chỉ muốn ở nhà cho yên thân thì không phải là kẻ sĩ tốt

2/ HV: “ Còn chuyện ngày xưa cha mẹ mất, phải bỏ việc về nhà, dựng lều bên mồ, 3 năm thụ tang Đáp: Chuyện để tang 3 năm là có, còn chuyện dựng lều là không, chỉ có học trò của KT vì thương thầy mà làm thế sau khi thầy mất

3/ HV: Nam nhi chí tại bốn phương nào mà mục đích học là chỉ để đạt chút công danh để về lo vun đắp cho dòng họ gia đình

Đáp: Học để thi đổ ra làm quan là do chế độ phong kiến tạo ra. Khổng Tử dạy trong thiên Tử Hãn: Tử tuyệt tứ : Vô ý, Vô tất, Vô cố, Vô ngã. Tôi chỉ nhấn mạnh về vô ngã nghĩa là không được chỉ nghĩ đến cái riêng ta, chứ ngài khônghề dạy kẻ sĩ vị ngã, vinh thân, phì gia

4/ HV: Chí tại bốn phương thế nào mà phải lấy vợ sinh bằng được con trai, không thì cứ phải đẻ mãi cho tới khi có thằng con để sau này nó để tang cha

Đáp: Chuyện mong có đứa con trai để nối dõi, không chỉ là ao ước của người theo đạo Khổng, chuyện đó có cùng khắp thế giới, từ Ả Rập đến Ân Độ và các văn hoá khác không hề chịu ảnh hưởng của “ nọc độc Khổng Tử “

5/ HV: Nho giáo dạy:” Thượng bất chính, hạ tấtloạn,” nhưng lại kèm theo câu:” Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung “ là thế nào? Mồm thì bảo thằng trên không ra gì, thì đừng trách thằng dưới, nhưng cho quyền thằng trên được lạm sát thằng dưới, mà thằng dưới  phải chịu chết để khỏi mang tiếng bất trung

Dạy ” phụ bất từ thì tử bất hiếu “, nhưng lại dạy,” phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu,” cha mẹ giết con mình thì có thể từ phụ được không? Con muốn sống thì lại cho là bất hiếu thì nó là thứ đạo lí quái gở gì ?

Để trả lời các câu hỏi trên, tôi xin vắn tắt như sau: Các câu hỏi trên dựa trên các dữ kiện hoàn toàn sai lạc

Hai câu: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung

Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu

Dịch: Vua xử thần chết, thần không chết là không trung

Cha xử con chết, con không chết là bất hiếu

Chắc chắn không phải chủ trương của nho giáo thời tiên tần (khoảng năm 206 trước Tây lịch) cũng không phải của nho giáo chính thống sau đó Theo Cơ cấu việt nho của GS Kim Định, Câu nói này là của thái tử Phù Tô, con trưởng của Tần Thuỷ Hoàng ,Tôi xin giải thích cặn kẽ cho dễ hiểu: Phù Tô bị đày lên phía bắc để xây vạn lí trường thành cùng với tướng Mông Điềm vì đã dám chống lại chủ trương đốt sách chôn học trò của vua cha, khi TTH đi tuần du tới Cối Kê thì bị bịnh nặng sắp chết, trối lại là phải gọi Phù Tô về gấp để lên ngôi hoàng đế. Thái giám Triệu Cao bàn với Thừa tướng Lí Tư là nếu để Phù Tô lên ngôi thì hai người sẽ mất địa vị và có thể mất mạng, do đó họ sửa chiếu bắt Phù Tô phải chết, tướng Mông Điềm cản Phù Tô đừng nghe lời chiếu giả, Phù Tô không nghe mới nói câu trên, do dại khờ mà PT mất mạng, cũng do dại khờ mà nhà Tần sau đó bị diệt vong

Theo Luận ngữ, Khổng Tử dạy:” Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử”

Dịch nghĩa: Vua phải ra vua, Tôi phải ra tôi, Cha phải ra cha, Con phải ra con.

Đó là chính danh, ai làm tròn phận nấy thì xã hội mới có trật tự, không có gì là mâu thuẫn cả.

Mạnh Tử dạy:

– Vua coi bề tôi như chân tay, bề tôi sẽ coi vua như tâm phúc

– Vua coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi sẽ coi vua như người đi đường

– Vua coi bề tôi như đất cỏ, bề tôi sẽ coi vua như giặc thù ( Có thể giết vua như giết giặc (tqk)

Mạnh Tử cũng dạy:

“ Dân vi quí, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh, thị cố đắc hão, kì dân nhi vi thiên tử “

Dịch nghĩa: Dân quí nhất, kế đó là xã tắc, vua là nhẹ, có lòng dân rồi mới làm thiên tử được. Có lời nào biểu lộ dân chủ hơn? Ngày xưa đi thi mà viết câu này thì: một là thi rớt, hai là mất đầu, ba là tam tộc bị tru di

Có người hỏi Khổng Tử về chuyện Võ Vương giết vua Trụ, ngài trả lời: Ta chỉ nghe Võ Vương giết một người tên Trụ chứ có nghe ai nói Võ Vương giết vua bao giờ đâu, có nghĩa là thiên tử mà vô đạo thì ai cũng có quyền lật đổ Tuân Tử nói: Giết một tên vua tàn bạo, có khác gì giết một tên phu xe độc ác

Tôi tưởng những câu chuyện trên đã minh định quan niệm của khổng giáo về liên hệ vua tôi, và không hề có chuyện cha giết con

6/ Ông Huỳnh Viên viết : Nho giáo dạy: Phu phụ tương kính như tân, vợ chồng kính nhau như khách, Nhưng bắt người phụ nữ xuất giá tòng phu (Lấy chồng phải phụ thuộc vào chồng ), thử hỏi : vợ chồng kính trọng nhau như khách, thì tại sao lại có chuyện tòng phu? Đã tôn trọng lẫn nhau sao lại cho quyền nam hữu tam thê thiếp, còn gái chính chuyên một

chồng?

Theo Wikipedia, vào giai đoạn sơ khai của nho giáo, tam tòng chỉ dùng để định vị trí của người phụ nữ trong gia đình khi làm lễ trước bàn thờ.

– Ở nhà thì đứng sau lưng cha.

– Lấy chồng thì đứng sau lưng chồng

– Chồng chết đứng sau lưng con.

Đó là tài liệu sớm nhất nói về tam tòng theo kinh lễ. Nhưng chuyện tam tòng có gì đáng trách?

– Lúc con gái còn nhỏ thì tòng theo cha, bổn phận người cha là phụ từ, tử ( nử ) hiếu

– Lúc có chồng thì có lời dạy bổn phận người chồng phải đối với vợ tương kính như tân

– Lúc chồng chết thì về ở với con, con phải hiếu thảo với mẹ, vì đạo

Khổng dạy Hiếu đứng đầu trăm nết tốt

Trai ba thê thiếp là để giải quyết vấn đề xả hội thời xuân thu chiến quốc, chiến tranh triền miên, thây chết đầy đồng, chiến tranh cướp đi hàng triệucon trai, nạn trai thiếu gái thừa giải quyết cách sao ?

7/ Ông Huỳnh Viên: Bạn tôi ghi rằng: “ Bà nội tôi, bà ngoại tôi, mẹ tôi, dì tôi, cô tôi, vợ tôi, và cả hai con gái tôi nữa, họ đều là nữ nhân,mà nữ nhân là tiểu nhân…Đau thật khi Khổng Khâu ghi: nữ nhi thường tình, nữ nhi chính thị tiểu nhân.

Đáp : Ai dạy bạn ông HV điều đó, nết tốt nhất của Khổng giáo là chữ hiếu, sao ông Khổng ,ông Mạnh lại dám cả gan gọi các bà mình, mẹ mình là tiểu nhân được

Câu sau đây trong Luận ngữ- Dương Hoá “ Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tôn, viễn chi tắc oán “

Người ta hiểu sai cố tình hay vô tình không biết đã dịch: “ Duy phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy bảo, gần thì vô lễ, xa thời oán hận.

Có hai cách khác nhau để hiểu câu này một cách đúng đắn:

1/ Theo thuyết văn giải tự, chữ dữ có ý là gả cho ai đó, đó là quan niệm chọn rể của Khổng Tử, do đó câu này phải dịch là : “ Nếu mà gả con gái cho kẻ tiểu nhân thì khó mà dạy bảo được, gần con thì nó vô phép, xa con thì con oán hận.

2/ Theo cách hiểu thứ hai thì “nữ tử” có nghĩa mở rộng là “ người nội tâm âm hiểm xảo trá “. Do đó phải dịch là : Những người nội tâm âm hiểm, xảo trá, nhân cách bỉ ổi, là người khó sống chung nhất, gần họ thì họ sẽ vô lễ, xa cách họ thì họ sẽ oán hận. Do đó, câu này không có ý gì miệt thị phụ nữ

8/ HV : Nho giáo dạy người đi học tôn sùng và lệ thuộc quá mức vào vai trò của người thầy ( nhất tự vi sư, bán tự vi sư ) và những sách gọi là sách thánh hiền ( thậm chí cái gì từ nho giáo viết cũng cứ cho là sách nói, sách của ông thánh ) nhưng không khuyến khích sự suy nghĩ, phản biện

Trả lời: Theo thành ngữ điển cố Trung Quốc do Lê huy Tiên dịch, câu nhất tự vi sư, bán tự vi sư chẳng dính líu gì với khổng học. nó bắt nguồn từ đời Đường, có một nhà sư là Từ Kỉ ham làm thơ, làm được mấy câu thơ mai sớm:

Thôn trước trong tuyết dày

Đêm qua mấy cành hoa nở

Ông đem khoe cho bạn là Trịnh Cốc xem, ông này mới sữa lại thay vì mấy cành, không diễn tả được cái ý sớm thành ra “ một cành hoa nở “ Từ đó người ta mới gọi ông Trịnh Cốc là thầy chữ, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy có giai thoại từ đó

9/ Ông HV nói thêm: Mục đích của việc học là giải phóng tư tưởng và mỡ mang kiến thức, trong khi mục đích học của nho giáo là làm nô lệ cho tư tưởng và kiến thức ( giỏi cỡ Nguyễn công Trứ mà còn lên bờ xuống ruộng nữa là học hành ba chữ lem nhem ) tqk: Ở đây tôi thật không hiểu ông muốn nói cái gì?

Trả lời : Trong Khổng học đăng của cụ Phan bội Châu trang 218:

Tử viết : “ Học nhi bất tư tắc võng. Tư nhi bất học tắc đãi “. Tư là nghĩ, võng là không có gì. Câu này dịch nghĩa như sau: Hể chỉ biết học mà thôi, không biết suy nghĩ, thì có học cũng như không. Nếu chỉ suy nghĩ mà không học thì chẳng được gì.

Tử viết: “Bất viết như chi hà như chi hà giả, ngô mạt như chi hà dã dĩ hỹ”

Dịch: Học phải biết nghĩ, có nghĩ mới sinh ra nghi, vì nghi mà sinh ra nghĩ ngợi, học như thế thì mới hữu ích, người ấy mới có thể dạy cho nên. Nếu có một người tối ngày không biết nghĩ, người như thế thời ta không biết tính sao cho họ nữa ( nghĩa là không dạy được )

Sao lại dám nói là tôn sùng, lệ thuộc quá vào vai trò người thầy ?

Cái học từ chương khoa cử là cái học làm lụn bại nho giáo, chứ đâu phải là cái học khai phóng của Khổnggiáo.

Mạnh Tử dạy: “ Tận tín thư tắc bất như vô thư “ = Tin quá vào sách, không bằng đừng đọc sách

10/ HV : Vợ chồng sống với nhau suốt đời đồng cam cộng khổ,cùng nhau nuôi dạy con cái nên người, thì lại dạy :” phu thê như y phục, huynh đệ như thủ túc “

Đáp : Đây không dính gì tới lời dạy của Khổng Mạnh, đó là lời của Lưu Bị nói trong Tam quốc chí diễn nghĩa

11/ HV : Nho giáo không cổ suý cho thượng tôn pháp luật, mà cổ suý cho việc sùng bái cá nhân ( quan thanh liêm, vua hiền biết thương dân ) nên người dân mặc nhiên nghĩrằng việc bị những kẻ có quyền bóc lột hoặc đè đầu cỡi cổ là chuyện bình thường, còn lâu lâu mới được ban ơn mưa móc thì coi là phước đức phải mang ơn suốt đời. Chính vì vậy, dù có bị

chèn ép, bất công, họ cũng cố gằng chịu và mong chờ một minh quân hoặc liêm quan xuất hiện.

Đáp : Chuyện này là do chế độ phong kiến tạo ra, một lần nữa, tôi muốn lập lại là những chuyện xấu xa của chế độ phong kiến không phải là do giáo dục của Khổng Mạnh. Xin mời nghe về chuyện thượng tôn pháp luật của

Mạnh Tử : Đào Ứng hỏi Mạnh Tử : “ Ông Thuấn làm thiên tử, ông Cao Dao coi bộ hình, cha ông Thuấn là Cổ Tẩu phạm tội giết người thì ông Cao Dao xử trí ra sao ? Mạnh Tử đáp: Cứ theo luật pháp mà thi hành ( nghĩa là phải xử tử ). Hỏi: Vậy vua Thuấn không ngăn cản được sao ? Đáp : Kìa, vua Thuấn làm sao ngăn cản được. Pháp luật đã truyền lại thì phải thi hành

12/ HV 1: Nho giáo đặt trung quân trước ái quốc

Đáp : Làm gì có chuyện đó, như trên đã nói : “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh “ vua chúa phong kiến đặt ra luật lệ để bảo vệ tuyệt đối chế độ toàn trị, đâu có phải là chủ trương của Khổng giáo.

13/ HV : Đó là chưa kể mấy bố nghĩa khí rởm, sĩ diện hảo, ra ngoài kết nghĩa với những thứ anh em giang hồ vớ vẩn, bị người ngoài lợi dụng,trong khi vợ con ốm đau gần chết cũng chẳng nhờ được, mà mồm cứ leo lẻo “huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”.

Đáp : Chuyện này đã giải thích ở trên, những hạng thất phu làm càn vô trách nhiệm với gia đình xả hội nào thời nào chẳng có sao lại bảo là do nộc độc Khổng tử?

14/ HV : Ở thế kỉ 21 mà vẫn còn nhiều người coi nho giáo là  chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hoá dân tộc thì tôi nói thẳng là tiền đồ dân tộc VN còn đen tối lâu dài

Đáp : Tôi cũng xin thưa với ông Huỳnh Viên là : nếu mỗi người VN giữ đúng lời dạy của Khổng giáo chính thống, những chính trị gia biết tu thân để giử lễ, nghĩa, liêm, sỉ thì xả hội VN sẽ lành mạnh và tiến bộ nhanh không thể tưởng

Tôi ước sao có con bò cạp nào chích cho tôi vài “nọc độc Khổng tử “, để tôi khỏi mất công tu thân sửa mình mỗi ngày mà có đủ cả các đức của người quân tử: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Học trò của đức Khổng Tử là Tử Lộ tên Do hay nói những điều mình không biết, ngài dạy : “ Do ! Hối nhữ tri chi hồ, tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã “. Dịch : Do ! Ta thường chỉ cho con cái cách biết, hễ cái gì con biết thì tự nhận là biết, cái con không biết thời tự nhận là không biết, ấy là biết vậy”. Tôi chỉ là kẻ hậu học, khiêm tốn nói lên những cái tôi biết dựa trên sách vở chớ chẳng dám nói điều gì mà không có dẫn chứng.

Tăng Quốc Kiệt mùa đông 2022

Tài liệu tham khảo:

1/ Nho giáo: Trần trọng Kim

2/ Khổng học đăng : Phan bội Châu Chavann

3/ Nho giáo Trung Quốc : Nguyễn tôn Nhan.

4/ Mạnh tử : Nguyễn hiến Lê.

6/ Khổng tử luận : Edward

7/ Khổng giáo luận Hovalaque

8/ Sử Trung quốc: NHL

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment