Mặc Âu – Mỹ lên án, ông Tập vẫn phủ nhận ‘Trung Quốc dư thừa công suất’

Trương Đình • (NTDVN) 07/05/24 — Gần đây, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với các quan chức hàng đầu của Âu – Mỹ. Trong cả hai lần họp, ông Tập đều bị gây áp lực về vấn đề thương mại và địa chính trị.

Hôm thứ Hai (ngày 6/5), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris.

Bà Ursula von der Leyen cho biết sau cuộc gặp này rằng, các chủ đề của cuộc đàm phán tại Paris liên quan đến các vấn đề địa chính trị, vấn đề khí hậu cũng như quan hệ kinh tế giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Trước đó vào ngày 26/4 tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình cũng đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Trong cuộc họp báo hôm 26/4 tại Đại sự quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông Blinken đã đề cập đến các chủ đề được đàm phán trong cuộc gặp với người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm chiến tranh Nga – Ukraine, vấn đề Trung Đông, sự cạnh tranh thương mại không lành mạnh của Bắc Kinh, vấn đề Biển Đông, vấn đề Đài Loan, vấn đề Hong Kong và vấn đề xâm phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình (giữa) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (phải) rời Điện Elysee sau cuộc hội đàm ba bên vào ngày 6/5/2024 tại Paris, Pháp. (Kiran Ridley/Getty Images)

Âu – Mỹ chỉ ra vấn đề thương mại mất cân bằng và dư thừa công suất của Trung Quốc

Chuyến thăm Châu Âu của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Châu Âu và Trung Quốc.

Ủy ban Châu Âu gần đây đã mở một cuộc điều tra để xác định xem liệu các nhà cung cấp thiết bị y tế Châu Âu có được tiếp cận thị trường một cách công bằng ở Trung Quốc hay không. EU đã tiến hành các cuộc điều tra tương tự đối với các nhà cung cấp tuabin gió của Trung Quốc và các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho tấm pin mặt trời, ô tô điện (EV) và tàu hỏa. Còn phía Trung Quốc đã mở cuộc điều tra trả đũa đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Pháp.

Theo Reuters, ông Macron cho biết trong cuộc gặp rằng Châu Âu và Trung Quốc cần giải quyết những khó khăn về cơ cấu, đặc biệt là vấn đề thương mại.

Ông Macron nói: “Tương lai của Châu Âu rõ ràng sẽ phụ thuộc vào việc liệu chúng tôi có thể phát triển hơn nữa mối quan hệ với Trung Quốc một cách cân bằng hay không”.

Bà Von der Leyen thậm chí còn thẳng thắn hơn. Bà nói rằng, việc tiếp cận thị trường không bình đẳng và trợ cấp của nhà nước Trung Quốc đã làm tổn hại đến quan hệ EU – Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói sau cuộc họp ngày 6/5 rằng, thế giới “không cách nào hấp thụ được lượng lớn các sản phẩm công nghiệp Trung Quốc được sản xuất quá mức và để chúng tràn ngập thị trường của mình”.

Bà Von der Leyen nói: “Châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và an ninh của mình”.

Lập trường thương mại của bà Von der Leyen trước Trung Quốc nhất quán với lập trường của đồng minh Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) nói chuyện với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 26/4/2024. (MARK SCHIEFELBEIN/POOL /AFP via Getty Images)

Sau chuyến thăm tới Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp đó, “Bộ trưởng [Blinken] đã thảo luận về các chính sách và hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc – những điều đang làm bóp méo thương mại hoặc đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời bày tỏ lo ngại về hậu quả mà tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc tạo ra cho nền kinh tế toàn cầu”.

Trước đó, vào ngày 5/4, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen tuyên bố trong chuyến thăm Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các ngành công nghiệp mới của mình bị “phá hủy” bởi hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.

Bà Yellen nhấn mạnh rằng “năng lực sản xuất [của Trung Quốc] vượt xa nhu cầu nội địa của Trung Quốc và cũng vượt quá khả năng tiếp nhận của thị trường toàn cầu”.

Theo bản tóm tắt cuộc họp do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, tại cuộc họp ở Paris, ông Tập đã phủ nhận rằng Trung Quốc có “vấn đề dư thừa công suất” và cho rằng năng lực sản xuất của Trung Quốc đã làm phong phú nguồn cung toàn cầu cũng như đã đóng góp rất lớn cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh trên toàn cầu.

 

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp – Trung rằng, cả hai nước có thể hỗ trợ một cách hợp pháp cho ngành công nghiệp nội địa của nước mình, nhưng bất kỳ chính sách nào như vậy đều phải công bằng và cùng có lợi. Nhưng “chúng ta vẫn chưa đạt được trạng thái cân bằng”, ông Le Maire nói và cho biết thêm rằng, kỷ nguyên “toàn cầu hóa vui vẻ” đã kết thúc. Ông cũng đề nghị EU đưa ra nhiều công cụ hơn để tái cân bằng thương mại giữa Châu Âu và Trung Quốc.

Âu – Mỹ nêu mối lo ngại về việc Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine

Ngoài vấn đề thương mại, tại hội nghị Paris lần này, cuộc chiến Nga – Ukraine cũng là chủ đề hóc búa trong quan hệ song phương EU – Trung Quốc.

Bà Von der Leyen nói, vấn đề đầu tiên được đề cập trong cuộc họp này là tình hình địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến Nga – Ukraine và vấn đề Trung Đông. Liên minh Châu Âu kêu gọi Bắc Kinh sử dụng mọi đòn bẩy đối với Moscow để chấm dứt cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine.

Theo bài phát biểu của bà Von der Leyen, EU đã nêu lên mối lo ngại về việc các công ty Trung Quốc vận chuyển các tài nguyên quân – dân lưỡng dụng sang Nga.

Bà Von der Leyen nhấn mạnh: “Xét đến bản chất của mối đe dọa hiện hữu mà cuộc chiến này gây ra cho Ukraine và Châu Âu, điều này xác thực đã làm ảnh hưởng đến quan hệ EU – Trung Quốc”.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tổ chức cuộc họp báo tại Paris, Pháp vào ngày 6/5/2024. (DIMITAR DILKOFF/AFP via Getty Images)

Trong cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã bày tỏ quan điểm của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Ông Blinken nói rằng Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất các công cụ máy móc, vi điện tử, nitrocellulose (một hợp chất rất quan trọng để sản xuất đạn dược và thuốc phóng tên lửa) và các sản phẩm quân – dân lưỡng dụng khác cho Nga.

“Moscow đang sử dụng những sản phẩm này để củng cố cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ, mà cơ sở công nghiệp quốc phòng này lại đang chế tạo tên lửa, máy bay không người lái, xe tăng và các loại vũ khí khác. Tổng thống Nga Putin đang sử dụng những vũ khí này để xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền, phá hủy lưới điện và cơ sở hạ tầng dân sự của quốc gia đó, đồng thời giết hại những người vô tội, bao gồm trẻ em, phụ nữ và đàn ông”, Ngoại trưởng Mỹ chỉ ra.

Ông Blinken nói thêm: “Nếu không có sự hỗ trợ của [chính quyền] Trung Quốc, Nga sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc tấn công nhằm vào Ukraine”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tham dự cuộc họp báo tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 26/4/2024. (WANG ZHAO/AFP via Getty Images)

Theo bản tóm tắt cuộc họp ngày 26/4 do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Mỹ – Trung trong cuộc gặp với ông Blinken. Ông Tập nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên là đối tác chứ không phải đối thủ.

Còn trong chuyến công du Châu Âu lần này, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi Trung Quốc và Châu Âu hợp tác và nói rằng quan hệ với Châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, cả hai bên nên kiên trì đối thoại và hợp tác.

Đông Phương biên dịch và tổng hợp; Theo The Epoch Times tiếng Trung

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment