Nghệ thuật duy trì quyền lực Đảng: cách dàn dựng “chống tham nhũng ở vùng cấm”! (Phần 1)

Bình luận của Huỳnh Trần (RFA Blog) 06/05/2024 — Khủng hoảng chính trị tại Việt Nam đã đến đỉnh điểm căng thẳng. Đảng Cộng sản (Đảng CS) cầm quyền vẫn khăng khăng chế độ mà Đảng toàn trị là ‘trí tuệ’ và, chỉ những quan chức tham nhũng làm xấu chế độ. Cho đến khi nhận ra tham nhũng là nguy cơ làm sụp đổ chế độ, Đảng quyết chống tới cùng. Đảng đang vận dụng “trí tuệ (sự khôn ngoan) chính trị” để chống tham nhũng ở “vùng cấm” trong khi giới quan sát, công luận cho rằng, Đảng đang diễn những ‘vở kịch’ cuối cùng trước khi buộc phải thay đổi.

Chiều ngày 28/4/2023 ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xin từ nhiệm và, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ‘đồng ý’[1] Thêm một ‘vở kịch’ của nghệ thuật tranh giành quyền lực Đảng ở ‘vùng cấm’, bao gồm các lãnh đạo chóp bu của Đảng, trong “tứ trụ” hay các Uỷ viên Bộ Chính trị, được ‘dàn dựng’ bởi “trí tuệ chính trị” đã hạ màn.

Từ đầu năm 2023 đến nay các vở kịch liên tục được công diễn. Trước tiên, vở kịch mang tên “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu” trong đó các diễn viên chủ chốt ‘bất đắc dĩ’ là ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, ông Phạm Bình Minh, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ và ông Vũ Đức Đam, nguyên Phó thủ tướng. Họ từ chức ngày 17/1/2023 vì phải “chịu trách nhiệm chính trị” bởi người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tràn lan. ‘Diễn viên chính’ ở vở kịch thứ hai mang tên “Bộ Công thương” là ông Trần Tuấn Anh, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương phải từ chức ngày 31/1/2024 vì phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương.” Vở kịch thứ ba mang tên “Phúc Sơn”, trong đó ông Võ Văn Thưởng phải từ chức Chủ tịch nước ngày Vào ngày 20/3/2024 cũng với lý do “chịu trách nhiệm chính trị” liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn, sau hơn một năm một tháng ở cương vị này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội VN Vương Đình Huệ tại Hà Nội hôm 13/12/2023 (minh họa) AFP

Vở kịch vừa hạ màn, mà diễn viên chính là ông Chủ tịch Quốc hội, mang tên “Thuận An”[2] có vẻ được dàn dựng công phu, khẩn trương hơn. Ngày 15/4/2024 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Từ đó, C03 đã “tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm liên quan” đến tập đoàn này. Ngày 21/4/2024, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội. Và, đến ngày 28/4 ông Chủ tịch Quốc hội phải từ nhiệm.

Trên đây là những tình tiết chính thức diễn ra trên sân khấu, tuy nhiên trong hậu trường kịch bản đã được chuẩn bị chu đáo: Hồ sơ vụ án, dọn đường công luận qua mạng xã hội, những cuộc họp kín về quy trình, thủ tục, lường trước hiệu ứng phụ không mong muốn có thể… Một sự kiện được các nhà quan sát quan tâm là trước khi phải thôi chức, ông Huệ được bố trí chuyến công du Trung Quốc khá dài ngày từ ngày 4 đến 9/4/2024). Tại Bắc Kinh ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, đã được ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiếp kiến, trong đó ông Tập khuyên ‘người anh em’ Việt Nam sử dụng “trí tuệ chính trị”[3] trong việc quản lý các mối quan hệ song phương trong bối cảnh hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” với cam kết “chia sẻ tương lai chung” nhưng đồng thời đang tìm cách giải quyết tranh chấp căng thẳng lãnh hải trên Biển Đông.

Sau diễn ngôn “trí tuệ chính trị” ông Tập Cận Bình đã muốn gửi thông điệp gì tới cá nhân ông Huệ nói riêng và giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam nói chung? Tất nhiên, ông Huệ đến Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng tranh giành quyền lực trước thềm đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) có lý do ‘ngầm’ của nó chứ không phải chỉ để nghe lời khuyên hãy ‘khôn ngoan hơn về chính trị’ trong ứng xử hay để “triển khai các thoả thuận” đã ghi nhớ trong cuộc gặp của hai ông Tổng bí thư hai Đảng CS Trung Quốc và Việt Nam hồi cuối năm 2023.

Mặc dù trong tâm thế bị động bởi ‘tự ty’ nước nhỏ và cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Nho giáo, người Việt có thói quen thường trực cảnh giác trước người ‘Tàu.’ Trong lịch sử người Trung Quốc từng được gọi theo thói quen xấu là người “Tàu.” Cái danh xưng này không chỉ mang tính lịch sử đặc biệt, gắn liền với sự cai trị nghìn năm của phong kiến phương Bắc đối với dân Việt, nước Việt mà còn nghĩa ám chỉ sự ‘thâm nho’, kiểu ‘nói một đằng làm một nẻo’, của giới lãnh đạo phong kiến phương Bắc, một yếu tố văn hoá truyền thống, trong lời nói và hành động.

Giới quan sát nhận thấy một sự kiện ngoại giao ‘bất ngờ’ gây chú ý trước khi vở diễn “Thuận An” chính thức bắt đầu. Đó là chuyến công tác của bà Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh sang thăm và làm việc tại Hà Nội trong hai ngày 18-19/4. Bà Bộ trưởng Hạ được tiếp kiến[4] bởi các ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Việc triển khai ‘thông điệp’ “Trí tuệ chính trị” thế nào chỉ giới lãnh đạo cộng sản của hai nước biết, nhưng vở kịch, như đã trình bày ở trên, đã diễn ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một trong những lý do gọi đây là các vở diễn, trong đó những nhân vật chủ chốt, các quan chức lãnh đạo ở “vùng cấm” được chỉ đích danh phải “chịu trách nhiệm chính trị”, đã hạ cánh an toàn với những ‘bí ẩn cung đình’, nhờ sự chuẩn bị ‘chu đáo’, sự ‘sáng suốt’ của “trí tuệ chính trị” khi đã ban hành nhiều quy tắc, chỉ thị nội bộ để duy trì quyền lực Đảng, trong đó có Quy định số 41-QĐ/TW[5] của Bộ Chính trị ban hành ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam. Những “bí ẩn cung đình” này là món nợ tiếp tục đè nặng lên lịch sử thăng trầm của dân tộc mà nhiều thế hệ sau phải minh bạch hoá và trả nợ. Những nỗi ám ảnh ăn sâu trong tâm trí các thế hệ nối tiếp: khi chiến tranh biên giới 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động xâm lược Việt Nam; tự tin về sự ‘am hiểu’ người Việt Nam, ông ta nói “dạy cho Việt Nam một bài học”. Những câu nói như “Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ đến người cuối cùng” cũng được ‘giải mật’ trong dịp này. Rồi “Mật ước Thành Đô” được cho là đã ký kết năm 1991 cũng vẫn chưa được công khai khiến cho các suy đoán trái chiều…

Đó là thực tế cuộc sống mà ta phải chấp nhận, dẫu biết rằng trong lịch sử nghìn năm cho đến thời hiện tại yếu tố độc hại từ văn hoá Trung Quốc, luôn có tác động quan trọng tới chính trường Việt Nam. Chúng ta đã ‘vẫy vùng’ để thoát khỏi nó mà không thể, thậm chí cả khi có cơ may. Nay nó lại ‘phát tác’ trong những tình huống kịch tính, đặc biệt với công tác nhân sự Đảng, theo nghĩa thực nhất bao gồm các lãnh đạo chóp bu, nhất là người đứng đầu Đảng, sau đó là tư tưởng của họ, ý thức hệ và thể chế.

Còn nhiều thứ không được công khai minh bạch nhưng liệu lịch sử đến bao giờ mới giúp chúng ta sáng tỏ về thực tế chúng ta đang sống!? Giải mã “Trí tuệ chính trị” mà ông Tập Cận Bình khuyên giới lãnh đạo Việt Nam trong bài viết là một nỗ lực đồng thời là hy vọng ‘rút ngắn’ lịch sử để tìm ra sự thật.

(Còn tiếp)

Tham khảo:

1. https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/trung-uong-dong-y-ong-vuong-dinh-hue-thoi-chuc-uy-vien-bo-chinh-tri-chu-tich-quoc-hoi-223630.html

2. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vu-an-tap-doan-thuan-an-khoi-to-bat-tam-giam-giam-doc-pho-giam-doc-ban-quan-ly-du-an-xay-dung-tinh-119240416104509767.htm;

3. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gv6199j7eo;

4. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-bo-truong-bo-tu-phap-trung-quoc-102240419184129305.htm;

5. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-41-qdtw-ngay-03112021-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-mien-nhiem-tu-chuc-doi-voi-can-bo-8336

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do.

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment